Thực hư chuyện công ty tính làm mạng xã hội Weibo ở Việt Nam

09/08/2019 14:56 GMT+7

Mới đây, một số người dùng đã chia sẻ hình ảnh thông tin đăng ký tên miền Weibo.vn cũng như “bảng hiệu” của một công ty có tên là Weibo với nghi vấn mạng xã hội Weibo của Trung Quốc rục rịch nhảy vào Việt Nam.

Lần theo thông tin mã số thuế từ hình ảnh chia sẻ của một số Facebooker, khi tra cứu tại trang Mã Số Thuế (masothue.vn) thì ra thông tin công ty Weibo Join Stock Company (Weibo JSC), do anh Nguyễn Lê Minh Quân sinh năm 1988 tại Hà Nội đăng ký cách đây khoảng một tuần. Theo thông tin tra cứu, công ty này kinh doanh nhiều hạng mục, từ sửa chữa thiết bị điện đến lắp đặt máy móc công nghiệp, buôn bán linh kiện điện tử cho đến cả cổng thông tin…
Đáng chú ý, theo hạng mục “cổng thông tin” mà trang Mã Số Thuế liệt kê của công ty Weibo sẽ cho phép họ “hoạt động điều hành các website sử dụng công cụ tìm kiếm để tạo lập và duy trì các cơ sở dữ liệu lớn các địa chỉ internet và nội dung theo một định dạng có thể tìm kiếm một cách dễ dàng. Hoạt động điều hành các website khác hoạt động như các cổng internet, như các trang báo chí, phương tiện truyền thông trực tuyến cung cấp các nội dung thông tin được cập nhật định kỳ”.
Chính điều này cộng với bảng hiệu “Công ty cổ phần Weibo, truyền thông mạng xã hội Việt - Trung” mà anh Minh Quân chia sẻ trên Facebook của mình đã khiến không ít người hoài nghi mục đích thực sự của hành động này. Theo đó, không ít fanpage hải ngoại đã dùng bảng hiệu của công ty Weibo JSC từ Facebook chủ nhân để có những lời lẽ không hay về anh Quân. Còn các Facebooker trong nước cũng tỏ ra khó hiểu với thông tin đăng ký cũng như bảng hiệu “truyền thông mạng xã hội Việt - Trung” mà anh Quân khoe trên Facebook.

Chủ nhân của công ty cổ phần Weibo JSC ở Việt Nam nói gì?

Theo nguồn tin của Thanh Niên, anh Quân hiện là quản trị viên (admin) của một trang hài Trung Quốc khá nổi trên mạng xã hội và đây là dự án “nhân bản” các nội dung “hài nhảm” của Trung Quốc dưới dạng Việt hóa nhằm thu hút lượt xem để tạo doanh thu. Nói cách khác, Weibo.vn là một dự án video hài như bao dự án khác nhưng chủ yếu Việt hóa nội dung từ các video trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó có Weibo - một mạng xã hội phổ biến ở nước này.

Thông tin chia sẻ của anh Quân về bảng hiệu công ty anh đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội

Ảnh chụp màn hình từ Facebook nhân vật

Trả lời thắc mắc của Thanh Niên, anh Nguyễn Lê Minh Quân cho biết: “Ý tưởng dùng tên Weibo xuất phát từ việc tìm cách để định nghĩa một công ty làm truyền thông và nội dung số lấy nguồn từ Trung Quốc một cách trực diện nhất. Trong khi thực tế những trang mạng xã hội ở Trung Quốc phần lớn đều có tên riêng và chữ Weibo (trong tiếng Trung có nghĩa là “tiểu blog”) đi kèm, ví dụ như Tencent Weibo, Sohu Weibo, NetEase Weibo... đặc biệt là Sina Weibo (của Alibaba), nên chúng tôi đăng ký tên miền weibo.vn. Nhân đây, chúng tôi rất xin lỗi nếu gây hiểu lầm tới cộng đồng mạng”.
Anh cũng cho biết thêm, công ty hiện tại sử dụng 100% vốn nhà đầu tư trong nước, chỉ có đối tác nội dung là từ Trung Quốc và đều là đối tác từng hợp tác với anh trong các dự án khác trước đó. Khi được hỏi liệu có muốn thành lập mạng xã hội như Gapo hay không, anh Quân cho biết, “Weibo JSC đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực nội dung và truyền thông chứ không phải công nghệ, nên chúng tôi chưa có ý định làm sản phẩm về mạng xã hội”.

Cách đặt tên dễ gây tranh cãi

Weibo là một mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình

Tại thời điểm này, khi truy cập tên miền Weibo.vn, trang web này cho biết nó chưa sẵn sàng hoạt động và đòi hỏi nhập mật khẩu quản trị. Theo các quy định của đơn vị cung cấp tên miền VINNIC, tên miền có đuôi .vn dành cho cá nhân và các tổ chức doanh nghiệp trong nước không vi phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia, nên việc liên hệ Weibo.vn với mạng xã hội Weibo của Trung Quốc khó xảy ra trong thực tế.
Tuy nhiên, diễn ra trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội ở Việt Nam sau khi mạng xã hội Gapo ra mắt với tuyên bố nhận khoản đầu tư 500 tỉ đồng, có thể thấy việc sử dụng tên miền và tên doanh nghiệp như anh Quân đang dùng dễ gây ra tranh cãi xuất phát từ những hiểu lầm không đáng có. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp kiểu này chủ ý sử dụng tên gọi “nhạy cảm” nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng lẫn giới truyền thông để góp phần tiếp thị cho doanh nghiệp của họ.
Thiết nghĩ, từ các sự việc lùm xùm đã qua, các nhà quản lý cũng nên xem lại cách đặt tên của các doanh nghiệp trước khi cấp phép, qua đó giúp tránh tạo ra những phiền toái không đáng có cho chính họ và cả cộng đồng mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.