Terra 'bắt tay' Tiki tiếp cận thị trường thương mại điện tử Việt Nam

08/01/2019 11:01 GMT+7

Terra sẽ 'bắt tay' với Tiki , để thúc đẩy sự phát triển của nền tảng thương mại điện tử này tại thị trường Việt Nam.

Hiện nay, có nhiều nền tảng thương mại điện tử áp dụng công nghệ mới, sử dụng công nghệ làm phương tiện thanh toán trung gian, giảm tối đa chi phí cho người dùng bằng cách xóa bỏ hoàn toàn các rào cản chi phí từ các bên thứ ba.
Một trong số các dự án thanh toán trực tuyến được nhiều quỹ đầu tư lớn chú ý là dự án Terra Money (đứng sau là tập đoàn thương mại điện tử TMON của Hàn Quốc), đang chuẩn bị ra mắt một phương thức thanh toán có tên là TerraX. TerraX được giao dịch bằng cách sử dụng đồng mã hóa có giá trị ổn định (stablecoin). Stablecoin có giá trị neo vào tiền tệ thật, loại trừ rủi ro biến động mạnh vốn thường thấy với các đồng khác như bitcoin, ethereum trên thị trường tiền mã hóa. Terra còn có token thứ hai tên Luna. Giá trị đồng mã hóa này đến từ phí giao dịch trên nền tảng của Terra.
Terra, được thành lập vào tháng 4.2018, là một nền tảng thanh toán dựa trên blockchain nhằm mục đích kết nối các nhà khai thác thương mại điện tử ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua Liên minh Terra. Đứng sau Terra là ông Daniel Shin - từng điều hành TMON, trang web thương mại điện tử bắt đầu như là cổng thông tin bán vé Ticket Monster. TMON là một trong những nền tảng thương mại điện tử đã gia nhập Terra Alliance, một nhóm đã cam kết giới thiệu Terra như một lựa chọn thanh toán trên trang web của mình, bao gồm Carousell, Pomelo Fashion, Qoo10, và Tiki ở Đông Nam Á, cũng như Althea và Woowa Brothers ở Hàn Quốc.
Hiện tại, Terra đã có 15 đối tác toàn cầu trong liên minh, với 40 triệu khách hàng và 25 tỉ USD doanh thu hằng năm.
Được biết, 2018 là năm đánh dấu thêm một năm phát triển mạnh của thương mại điện tử Việt Nam. Theo Báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty Q&Me thực hiện, mua sắm online của người tiêu dùng Việt trong năm qua tăng mạnh lên 47%. Theo nhận định của Google và quỹ đầu tư Temasek trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 11 dự báo ngành thương mại điện tử Việt Nam từ nay đến 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng lên tới 43%, cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đã trở thành thói quen phổ biến của nhiều người trên thế giới. Một số chọn mua hàng trực tuyến vì thuận tiện, số khác vì giá cạnh tranh. Với nhu cầu mua sắm ngày càng tăng, các nền tảng thương mại điện tử đang đối mặt với chi phí giao dịch bị đội lên rất cao từ các cổng trung gian thanh toán như Paypal, Visa hay Master Card... Đã có nhiều nhà bán lẻ dừng hoạt động bán hàng trực tuyến do những chi phí ẩn của thương mại điện tử. Giải pháp lúc này cho các doanh nghiệp là tự phát triển cổng thanh toán riêng để giảm chi phí từ bên thứ ba. Ví dụ như Samsung, Tencent, Alibaba, Ebay... lần lượt tự xây dựng các ứng dụng Samsung Pay, Wechat Pay, Alipay, Paypal… Nhiều chuyên gia đánh giá phương thức này trong ngắn hạn có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nhưng về lâu dài sẽ không giải quyết triệt để bài toán chi phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.