Taylor Swift và Apple hục hặc chỉ là ‘kịch’?

25/06/2015 07:00 GMT+7

(TNO) Tom Conrad, cựu giám đốc công nghệ của dịch vụ âm nhạc trực tuyến Pandora khẳng định việc Apple nhượng bộ và chi trả cho nghệ sĩ trong 3 tháng thử nghiệm Apple Music không có gì đáng để ăn mừng, theo trang tin Business Insider (Mỹ).

(TNO) Tom Conrad, cựu giám đốc công nghệ của dịch vụ âm nhạc trực tuyến Pandora khẳng định việc Apple nhượng bộ và chi trả cho nghệ sĩ trong 3 tháng thử nghiệm Apple Music không có gì đáng để ăn mừng, theo trang tinBusiness Insider (Mỹ).

Ngôi sao ca nhạc Taylor Swift - Ảnh: Reuters

Trước lời mời tham gia dịch vụ nhạc số trực tuyến Apple Music do Apple tung ra vào cuối tháng này, Taylor Swift đã tỏ ra bất hợp tác và tuyên bố sẽ không đưa album mới nhất của cô “1989” lên dịch vụ này.

Apple với lý do muốn thu hút người dùng đã thực hiện chính sách miễn phí hoàn toàn 3 tháng đầu cho các thuê bao mới đăng ký. Tuy nhiên họ không có ý định trả tiền bản quyền cho nghệ sĩ trong 3 tháng đó mà sẽ “đền bù” vào những tháng sau, khi người dùng bắt đầu chi trả 10 USD/tháng cho thuê bao.

Taylor Swift đã lên tiếng chỉ trích “nhà táo” đã keo kiệt với nghệ sĩ và 3 tháng làm không công là quá nhiều đối với cô.

“Cuộc chiến” giữa Swift và Apple đã thu hút dư luận trong những ngày qua, đặc biệt hơn khi Apple tỏ ra nhượng bộ cô ca sĩ trẻ này và tuyên bố sẽ trả tiền các nghệ sĩ trong suốt 3 tháng thử nghiệm đó.

Việc Apple đồng ý thay đổi chính sách đã khiến cô ca sĩ nhạc đồng quê Taylor Swift đang được giới nghệ sĩ ca ngợi hết lời vì đã dám đứng lên vì quyền lợi của ngành công nghiệp âm nhạc, trang tin Business Insider nhận định.

Tuy nhiên, ông Tom Conrad, cựu giám đốc công nghệ của dịch vụ âm nhạc trực tuyến Pandora lại không ngạc nhiên trước vụ việc.

Trên mạng xã hội Twitter, Conrad khẳng định việc Apple nhượng bộ và chi trả cho nghệ sĩ trong 3 tháng thử nghiệm Apple Music không có gì đáng để ăn mừng.

“Bức thư chỉ trích Apple của Taylor Swift không khác gì màn kịch” Conrad viết trên Twitter. “Chẳng có gì gọi là đề xuất Apple đối xử công bằng với các nghệ sĩ khác”, ông khẳng định.

Tom Conrad, cựu giám đốc công nghệ của dịch vụ âm nhạc trực tuyến Pandora - Ảnh: Getty Images

Những dịch vụ âm nhạc trực tuyến như Spotify, Youtube, Pandora và các dịch vụ khác đều phải trả tiền đầy đủ cho nghệ sĩ ngay cả trong thời gian họ thử nghiệm, ông Conrad dẫn chứng. Apple không cao hay thấp cấp hơn mà cùng bậc với các dịch vụ khác.

“Nhà táo” cũng từng tuyên bố họ sẽ chi 71,5% doanh thu từ các thuê bao để trả tiền bản quyền các bài hát. Tỉ lệ ăn chia cao hơn mức trung bình của nền công nghiệp nhạc số trực tuyến nhằm “bù lỗ” cho nghệ sĩ vì thời gian thử nghiệm dài hơn các dịch vụ khác.

Mặc dù tuyên bố của Apple là chi trả nhiều hơn như vậy, nhưng cựu giám đốc Pandora vẫn cho rằng sẽ không có cách nào biết được liệu Apple có thật sự chi trả cho các nghệ sĩ cao hơn các dịch vụ khác hay không.

Được biết dịch vụ âm nhạc Spotify chi 70% doanh thu của hãng cho bản quyền, trung bình Spotify đã phải chi khoảng 1 tỉ USD mỗi năm.

Conrad cũng hoài nghi về lý do Taylor Swift yêu cầu tháo album “1989” ra khỏi dịch vụ Spotify mà không phải bất cứ dịch vụ nào khác.

Cuối năm 2014, vụ lùm xùm giữa Taylor Swift và dịch vụ Spotify đã làm dậy sóng dư luận khi cô ca sĩ trẻ yêu cầu tháo album mới nhất của cô “1989” khỏi dịch vụ này. Cô cho rằng chính sách miễn phí của Spotify đã làm giảm giá trị âm nhạc của nghệ sĩ. Tuy nhiên Swift vẫn để yên cho các dịch vụ miễn phí khác như Youtube và kênh radio trực tuyến tự do phát hành nhạc của cô.

Tất cả ngụ ý rằng Taylor Swift đã diễn một vở kịch hoành tránh từ trước đến nay, và màn kịch này thật sự chẳng làm thay đổi gì nền công nghiệp thu âm và các dịch vụ phân phối nhạc số cả, Business Insider bình luận.

Hiện vẫn chưa có bất cứ động thái nào chứng tỏ Swift sẽ đồng ý đăng album “1989” lên dịch vụ Apple Music.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.