STEM: Khoa học giáo dục tương lai

30/06/2020 09:41 GMT+7

STEM là mô hình giáo dục tích hợp 4 bộ môn Science (Khoa học), Technology ( Công nghệ ), Engineering (Kỹ thuật) và Maths (Toán học) dựa trên cách tiếp cận liên ngành, nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mà vô vàn lĩnh vực liên quan đến tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin... đang ngày càng chiếm ưu thế, việc tạo dựng nền tảng cho trẻ là hết sức quan trọng. Khác với lầm tưởng của nhiều người, STEM không hướng trẻ trở thành kỹ sư hay nhà khoa học, cũng không lãng quên khía cạnh giáo dục xã hội nhân văn, mà STEM giúp rèn luyện tư duy đa chiều, giúp người học thích nghi với những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất và tạo ra một thế hệ trẻ hoàn thiện cả về học thuật lẫn thực hành.
Xu hướng giáo dục STEM đã hình thành tại Mỹ từ đầu những năm 90, xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Với mục tiêu thúc đẩy niềm đam mê ở các học sinh, các hội chợ khoa học vẫn được tổ chức từ cấp trường đến cấp quốc gia. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng là người ủng hộ nhiệt thành cho phương pháp STEM. Ông thực hiện các chính sách thúc đẩy giáo dục STEM và thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học - công nghệ trong các buổi nói chuyện: "Khoa học không chỉ là một môn học, một bảng tuần hoàn hóa học hay tính chất của sóng. Khoa học là một cách tiếp cận thế giới, một cách quan trọng để hiểu, để khám phá, giao tiếp với thế giới và cho ta khả năng để thay đổi thế giới đó". Bên cạnh Mỹ, những nước có nền giáo dục phát triển ở châu Âu đều bắt đầu áp dụng mô hình STEM như một chiến lược đầu tư vào nguồn lực con người để hướng đến sự phát triển bền vững của quốc gia.

Hoa hậu Camille Schrier mong muốn đưa giáo dục STEM gần hơn đến trẻ em

Ảnh: Getty Images

Hoa hậu Mỹ 2020 Camille Schrier tốt nghiệp Trường đại học Công nghệ Virginia với hai bằng cử nhân khoa học trong trong lĩnh vực hóa sinh và hệ thống sinh học. Hiện cô đang lấy bằng tiến sĩ dược. Sau khi đăng quang, cô dùng danh hiệu hoa hậu để thúc đẩy phương pháp giáo dục STEM, tăng cơ hội cho phụ nữ có mặt trong những lĩnh vực khoa học tự nhiên. Thông qua STEM, Camille Schrier muốn thay đổi quan niệm của mọi người về khoa học, một ngành học luôn bị hiểu lầm là khô khan, khó nuốt và muốn truyền đạt đến trẻ em rằng: “Chúng ta có rất nhiều ngành nghề STEM trong thế giới công nghệ đang ngày một đổi thay, và chúng ta cần trẻ em biết rằng luôn có chỗ dành cho khoa học nếu các em thực sự hứng thú”.

Để đưa giáo dục STEM vào chương trình phổ thông, tránh lối giảng dạy khô khan theo lý thuyết suông. Thay vào đó, trẻ em được khuyến khích trải nghiệm và ứng dụng hiểu biết của mình vào tình huống cụ thể qua các hình thức học đi đôi với hành như Học qua trò chơi, Học qua dự án - chủ đề. Qua đó, trẻ được làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo, thấu hiểu đối tượng thông qua cấu tạo, nguyên lý, quy trình sản xuất và dễ dàng có được định hướng nghề nghiệp tương lai.
Trong thời buổi hội nhập toàn cầu, giáo dục STEM đang nhận được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam, tuy vẫn còn khá xa lạ với đại chúng. Xuyên suốt từ năm 2015 - 2019, Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp cùng nhiều cơ quan tổ chức ngày hội STEM thường niên với các hoạt động trí tuệ như thực hành thí nghiệm, lập trình game, lắp ráp robot, làm đồ chơi từ vật liệu tái chế, tìm hiểu thiên văn học… Năm 2017, chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 nêu rõ định hướng: "Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông"...

Cựu Tổng thống Barack Obama góp mặt trong hội chợ khoa học được tổ chức tại Nhà Trắng

Ảnh: Chụp màn hình website Nhà Trắng

Học viện STEM cũng là nơi phụ huynh có thể tiếp cận lối giáo dục này. Tuy nhiên, việc thực hành STEM không nhất thiết phải được thực hiện trong môi trường sư phạm, phụ huynh cùng trẻ nhỏ có thể tự tìm hiểu về STEM thông qua nhiều bộ sách, như cuốn Giáo dục STEM/STEM: Từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo của Nguyễn Thành Hải cung cấp những hiểu biết khái quát nhất về mô hình giáo dục còn mới mẻ với nhiều người Việt Nam. Kế đó, những bộ sách với phần minh họa sinh động cùng các trò chơi ứng dụng như cuốn 50 trò chơi khoa học siêu vui, bộ STEM quanh em của Alpha Books, hay bộ STEM - Học viện của tác giả Steve Martin sẽ hỗ trợ phụ huynh thiết lập một chương trình vừa học vừa chơi hiệu quả và trực quan cho con em mình. Những đồ chơi lắp ghép kích thích trí sáng tạo như LEGO cũng có thể trở thành công cụ giảng dạy STEM nếu ta biết ứng dụng đúng cách. Chương trình Khoa học tại nhà (Science at home) được thực hiện bởi các nhà khoa học 3M với những video hướng dẫn cụ thể các thí nghiệm khoa học đơn giản, an toàn, chủ để gần gũi với những vấn đề thường nhật sẽ giúp trẻ em tò mò khám phá tại nhà, từ đó, phát triển tư duy và khả năng sáng tạo.
Nhìn chung, giáo dục STEM là xu hướng để chuẩn bị cho trẻ em những công cụ cần thiết theo nhu cầu phát triển toàn cầu. Không chỉ các trường học, gia đình mà doanh nghiệp lớn cũng đang tập trung đầu tư để hỗ trợ trẻ em, nguồn nhân lực tiếp nối cơ hội trải nghiệm thực tiễn, đẩy mạnh kỹ năng thay vì chỉ tập trung vào lý thuyết như trước đây.
3M là một công ty sở hữu thế mạnh về khoa học, công nghệ, có mặt ở hơn 70 quốc gia với 3.500 bằng sáng chế mới mỗi năm, 96.000 nhân viên toàn cầu và 8.000 nhà khoa học. Do đó, dễ hiểu khi công ty này có rất nhiều hoạt động thúc đẩy xu hướng giáo dục STEM trên khắp thế giới nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai. Những nỗ lực của 3M đã giúp thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận với thế giới khoa học tưởng chừng khô khan và xa vời, ví dụ như các cuộc thi chế tạo robot hằng năm dành cho học sinh trung học với đối tác FIRST tại Mỹ. Trong chiến dịch Siêu anh hùng STEM, 3M cùng với Dosomething.org đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh về các siêu anh hùng sử dụng các kỹ năng công nghệ, kỹ thuật, toán học để giải cứu thế giới, nhằm truyền cảm hứng đến các em nhỏ rằng công việc kỹ sư hay nhà khoa học vốn vô cùng gần gũi và thú vị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.