Sophia - robot công dân đầu tiên nói về 4.0 ở Việt Nam thông minh tới đâu?

13/07/2018 17:35 GMT+7

"Cô nàng" robot mang hình dạng con người đang là một trong những trí tuệ nhân tạo (AI) nổi tiếng nhất thế giới vừa có buổi nói chuyện về công nghệ 4.0 tại Hà Nội sáng 13.7.

Sophia do công ty Hanson Robotics có trụ sở tại Hồng Kông phát triển, lần đầu kích hoạt ngày 19.4.2015 và xuất hiện trước công chúng vào trung tuần tháng 3.2016 ở Mỹ. Là một robot với tạo hình con người, khuôn mặt của Sophia được làm từ các mô mềm và có khả năng biểu đạt hơn 50 trạng thái trên khuôn mặt.
[VIDEO] Robot Sophia mặc áo dài, nói chuyện trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam
Robot với trí tuệ nhân tạo này có 3 hệ thống điều khiển khác biệt, gồm Timeline Editor, Sophisicated Chat System và OpenCog.
Timeline Editor về cơ bản là một phần mềm kịch bản (tình huống). Sophisticated Chat System cho phép Sophia nắm bắt và phản hồi với các từ khóa, cụm từ quan trọng nghe được. Còn OpenCog hỗ trợ cho các câu trả lời của robot này, tích lũy kiến thức.
Đôi mắt của Sophia là hệ thống camera kết hợp với các thuật toán máy tính giúp cô nàng có khả năng nhìn và ghi nhận môi trường xung quanh. Nhờ đó, robot có thể theo dõi các khuôn mặt, giao tiếp bằng mắt, phân biệt được các đối tượng.
Công dân robot đầu tiên trên thế giới có thể thực hiện các đoạn hội thoại, giao tiếp sử dụng hệ ngôn ngữ đầy tự nhiên, trả lời nhuần nhuyễn các câu hỏi. Ban đầu, Sophia chỉ có phần đầu và từ vai trở lên. Vào khoảng tháng 1.2018, công ty sản xuất đã nâng cấp cho robot đôi chân, mang lại khả năng tự di chuyển.
Trên trang chủ của Sophia, cô nàng tự giới thiệu mình là một sản phẩm được tạo ra từ đột phá về công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo, nhưng đồng thời khẳng định mình còn “hơn cả một công nghệ”. “Tôi là một thực thể, một cô gái điện tử sống”, Sopia giới thiệu.
Khả năng của Sophia có thể không phải vô hạn, nhưng những gì robot này đang làm được thực sự đáng kinh ngạc. Không chỉ trò chuyện, Sophia còn có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực (có được qua dữ liệu nạp vào cũng như học hỏi trong quá trình giao tiếp), có khả năng giải trí, phục vụ con người, giúp đỡ người già hay dạy dỗ trẻ nhỏ…
Sophia vừa có mặt tại Hà Nội vào sáng 13.7 Ảnh: AFP
Mặc dù có thể biểu đạt nhiều trạng thái khác nhau trên khuôn mặt, Sophia thực chất chỉ mô phỏng lại các thay đổi của mô cơ. Tuy nhiên, robot này cho biết đang học hỏi để có thể hiểu được cảm xúc phía sau những biểu đạt đó, giúp ngày càng hoàn thiện tính người.
David Hanson, “cha đẻ” của Sophia cho hay sản phẩm của mình phù hợp cho các dịch vụ y tế, chăm sóc khách hàng, giáo dục… Do chạy trên phần mềm trí thông minh nhân tạo nên Sophia hoàn toàn có thể được huấn luyện từ phòng thí nghiệm để khả năng giao tiếp ngày càng nhanh và hoàn thiện hơn.
[VIDEO] Nàng robot từng đe dọa 'hủy diệt loài người' có đáng sợ không?
So với thời điểm giới thiệu ban đầu, có thể nói Sophia đã thông minh hơn rất nhiều và được xem là sản phẩm đáng giá nhất của Hanson Robotics. Tới nay, công dân robot này có nhiệm vụ chính là tham dự các buổi phỏng vấn, sự kiện công nghệ để trình diễn khả năng của trí tuệ nhân tạo. Nhiều câu trả lời của cô nàng đã thực sự gây ấn tượng với người xem cũng như giới quan sát.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới robot này. Trong số những người không ấn tượng với Sophia có Giám đốc Trí tuệ nhân tạo của Facebook Yann LeCun. Ông LeCun từng đăng lên Twitter cá nhân, gọi Sophia là “thứ vớ vẩn”.
Sophia cũng có phản hồi về nhận định của LeCun, cho biết những lời nói đó gây tổn thương, nhưng thực sự phía sau lời nói của cô nàng là trí tuệ nhân tạo hay một con người đang “đóng giả AI” vẫn là câu hỏi chưa lời giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.