Smartphone Việt giữa cuộc đua khốc liệt

14/01/2017 09:18 GMT+7

Sau hơn 10 năm, các thương hiệu điện thoại di động VN vẫn đang nỗ lực khẳng định chỗ đứng giữa nhiều thương hiệu lớn của thế giới.

Vài tháng gần đây, hai thương hiệu điện thoại di động (mobile) Việt là Mobiistar và Bavapen cùng gây chú ý trên thị trường bằng các mẫu điện thoại di động thông minh (smartphone) giá dưới 4 triệu nhưng tích hợp nhiều tính năng mạnh mẽ. Cụ thể, Mobiistar có 2 dòng Prime X1 và Prime X 2017 cùng sở hữu màn hình HD rộng 5,5 inch, lần lượt có giá bán là 3,69 và 3,46 triệu đồng, RAM 3 GB và 2 GB.
Còn Bavapen thì có model mang tên James Bond giá 3,55 triệu đồng cũng sở hữu màn hình HD rộng 5,5 inch, RAM 2 GB, chụp hình 13 MP, tính năng “One-hand” cho phép dùng 1 tay để điều khiển...
Đặc biệt cả 3 model trên cùng có thiết kế nguyên khối và cảm biến vân tay, vốn là một tính năng thường chỉ xuất hiện ở các dòng máy trung cấp có giá bán xấp xỉ 5 triệu trở lên, của một số thương hiệu lớn.
Nhiều thách thức
Ngược dòng thời gian, khoảng năm 2006 - 2007, trào lưu đặt hàng OEM (sản xuất phụ tùng gốc nguyên chiếc) rồi lắp ráp rồi đặt riêng thương hiệu bắt đầu bùng nổ trên thị trường VN. Nhiều “đại gia” vốn là nhà phân phối trong ngành đã tích cực phát triển thương hiệu mobile dành riêng cho VN. Điển hình như Công ty ABTel tiền thân là nhà phân phối các thương hiệu Siemens, BenQ-Siemens, Dopod và HTC thì cho ra thương hiệu Q-mobile. Công ty cổ phần điện thoại di động Thành Công từng là nhà phân phối của Sharp và một số nhãn hàng khác thì ra mắt thương hiệu Bavapen. Hay Mobile Star Corp, được sáng lập bởi những cá nhân từng là nhà phân phối và lãnh đạo Sony Ericsson tại VN, xây dựng nên thương hiệu Mobiistar.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, các thương hiệu mobile Việt vẫn gặp không ít thách thức giữa cuộc cạnh tranh với các đối thủ lớn như Samsung, Sony, HTC... Không những vậy, báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường còn nhận định: “Ở phân khúc giá của Bavapen hay Mobiistar đang triển khai, tầm mức giá 5 triệu trở xuống (hiện nay chiếm hơn 40% tổng số lượng smartphone của thị trường bán ra), tập trung khá nhiều nhãn hiệu xuất xứ từ Trung Quốc như: Huawei, ViVo, Coolpad, Meizu... Đặc biệt Oppo hiện nay bán khá tốt, chính vì thế các thương hiệu Việt sẽ vướng phải sự cạnh tranh khá quyết liệt giữa các sản phẩm với nhau tại phân khúc này”.
Mobiistar Prime X1 (trái) và Bavapen James Bond Ảnh: Mobiistar/Bavapen
Tìm lối đi riêng
Theo đó, thách thức mà các thương hiệu mobile Việt đối mặt là không nhỏ. Nhìn ra các nước lân cận, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần điện thoại di động Thành Công, so sánh: “Tại nhiều nước châu Á, khu vực Nam Á và Đông Nam Á, các thương hiệu địa phương sẽ chiếm thị phần ưu thế. Ví dụ ở Pakistan, vài thương hiệu nội địa chiếm đến 70% thị phần, kế đến là iPhone và Samsung, còn thương hiệu Trung Quốc không vô nổi. Sri Lanka, Nepal, Ấn Độ ở Nam Á và Thái Lan, Indonesia ở Đông Nam Á cũng vậy”. Chính vì thế, ông Bảo kỳ vọng người tiêu dùng Việt ghi nhận những nỗ lực của các thương hiệu nội địa để ủng hộ hàng Việt. Cụ thể, ông chia sẻ về nỗ lực của Bavapen là: “Chúng tôi luôn tập trung cho thiết kế, chất lượng sản phẩm cùng giá cả hợp lý”.
Tương tự, ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành Mobile Star Corp, cũng chia sẻ về chiến lược cho Mobiistar: “Giá mềm, kiểu dáng thiết kế đẹp và đầu tư nghiêm túc vào nâng cao trải nghiệm người dùng từ giao diện phần mềm (do hãng tự thiết kế với những tính năng cộng thêm, nâng cao trải nghiệm người dùng so với bộ Android gốc), camera được cân chỉnh tốt cho nhu cầu sử dụng với các chế độ chụp, có phần mềm selfie cho ảnh chụp ảo diệu hơn. Những điểm này của Mobiistar tạo ra những điểm nhấn bán hàng giúp thuyết phục người dùng dễ hơn”.
Ông Kha cũng cho biết thêm ngoài chiến lược sản phẩm, Mobiistar cũng tập trung nhiều chương trình khuyến mãi mang tính thiết thực. Ví dụ, trong thời điểm cận tết, công ty này tổ chức chương trình khuyến mãi mua điện thoại tặng vé về quê ăn tết.
Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường ở trên cũng chỉ ra rằng các thương hiệu mobile Việt nên: “Tập trung vào những người lao động có thu nhập trung bình trở xuống, học sinh, sinh viên... Đây là phân khúc khách hàng cần một thiết bị để có thể vừa là phương tiện liên lạc vừa có thể chụp hình, đọc tin tức hay tham gia các mạng xã hội với mức giá vừa túi tiền của họ, hay thậm chí người chạy xe ôm cũng có thể là nhóm khách hàng tiềm năng khi có khá nhiều người đăng ký chạy Grabbike, Uber Moto”.
Như vậy, theo báo cáo vừa nêu, sự lựa chọn phân khúc sản phẩm của các thương hiệu mobile Việt là đúng hướng. Tuy nhiên, kết quả sau cùng vẫn rất cần các chính sách bán hàng phù hợp và hiệu quả.
Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường nêu: “Có nhiều cách để đưa sản phẩm Bavapen, Mobiistar... đến tay người tiêu dùng như: có thể dùng các chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên ở các trường đại học, kết hợp với các công ty tài chính để đưa ra các chương trình hỗ trợ trả góp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.