Smartphone giống như một trái bom hẹn giờ?

19/09/2016 09:52 GMT+7

Nếu đang sử dụng smartphone, chúng ta phải chấp nhận một thực tế, trong tay luôn có một trái bom hẹn giờ. Lý do rất đơn giản: hầu hết các smartphone hiện nay đều sử dụng pin Lithium, theo Gizmodo .

Ken Boyce, kỹ sư trưởng kiêm chuyên gia về pin của hãng UL (công ty tư vấn và cấp chứng nhận an toàn của Mỹ)
khẳng định: “Bất kỳ viên pin Lithium nào cũng có thể phát nổ. Nhưng tỷ lệ chỉ khoảng 1 phần 1 triệu”. Ông cho biết mặc dù pin Lithium ngày nay rất an toàn, nhưng không có bất kỳ công nghệ nào là tuyệt đối.
Năm 1995, mẫu máy Powerbook 5300 của Apple là sản phẩm đầu tiên sử dụng pin Lithium. Thế nhưng, ngay sau khi Powerbook 5300 được bán ra, một số sản phẩm đã bắt lửa và phải thu hồi, tiêu tốn của Apple hàng triệu USD.
Cho tới tận năm 2007, những viên pin Lithium có trên một số mẫu iPhone của Apple thậm chí vẫn bắt cháy. Nhưng lần này, số lượng các vụ việc như vậy rất ít, và Apple đã âm thầm thu hồi sản phẩm.
Apple cũng từng là nạn nhân của pin Lithium Ảnh: iFixit
Đây cũng chính là lý do tại sao Galaxy Note 7 của Samsung được chú ý nhiều tới vậy. Sau rất nhiều vụ nổ liên tiếp, Galaxy Note 7 đã buộc phải thu hồi, thậm chí bị cấm vận chuyển bởi các hãng hàng không lớn trên thế giới.
Chắc chắn một điều, Galaxy Note 7 không phải chiếc smartphone đầu tiên phát nổ. Đây dường như là sự cố của tất cả các smartphone, khi Lithium trong điện thoại có thể bốc cháy và phát nổ.
Lý do lớn nhất khiến một viên pin Lithium phát nổ chính là: nhiệt độ. Không chỉ như vậy, nhiệt độ còn làm giảm khả năng tích điện của pin. Điều này giải thích tại sao smartphone sẽ cạn pin nhanh hơn giữa cái nóng gay gắt của mùa hè, hoặc sử dụng quá lâu.
Về cơ bản, pin Lithium là một hỗn hợp các hóa chất dễ cháy được nén lại với nhau và tiếp xúc với một dòng điện thông qua các điện cực. Có hai điện cực chính trong một viên pin Lithium, cực dương (anode) và cực âm (cathode).
Điện thoại phát nổ còn gây cháy cả xe hơi Ảnh: Chụp màn hình
Năng lượng đi vào từ cực dương và thoát ra từ cực âm. Hai bộ phận này được ngăn cách với nhau bởi một lớp vật liệu hữu cơ chứa muối Lithium - nguyên tố tuyệt vời để lưu trữ và vận chuyển năng lượng.
Nếu hai cực này tiếp xúc với nhau sẽ gây hiện tượng thoát nhiệt. Ban đầu, những viên pin Lithium đầu tiên được bọc trong túi mỏng, vốn rất dễ bị thủng, khiến cực dương và cực âm chạm vào nhau. Tuy nhiên, các viên pin đời sau đã tránh được điều đó.
Trên thực tế, cơ hội để một viên pin Lithium bất ngờ phát nổ là rất thấp. Phần lớn các sự vụ xảy ra đều bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài. Như việc sử dụng một dây cáp USB có chất lượng kém cũng có thể khiến điện thoại bốc cháy bất cứ lúc nào.
Do đó, đa số các chuyên gia, các cơ quan kiểm định đều đi đến chung một kết luận: người dùng luôn phải cẩn thận khi sử dụng smartphone hay laptop, bởi mỗi viên pin Lithium bên trong chính là một quả bom nổ chậm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.