'Siêu quyền lực' mạng xã hội: Rò rỉ thông tin và an ninh quốc gia

25/06/2019 14:19 GMT+7

Các mạng xã hội như Facebook, Google lại nắm trong tay một lượng thông tin cá nhân khổng lồ của người dùng cũng như của hàng chục triệu doanh nghiệp... sử dụng mạng, nguy cơ rò rỉ thông tin là rất lớn.

Một mạng xã hội dù được thiết lập và quản lý tốt đến đâu vẫn không khỏi có chỗ sơ hở. Những sơ hở này, gọi là lỗ hổng bảo mật, có thể do khiếm khuyết trong khâu lập trình, do quản lý và cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển… Với quy mô lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ và xử lý thông tin tương tác của hàng tỉ người dùng hằng ngày như Facebook, Gmail, dĩ nhiên là không thể tránh khỏi sơ hở.
Và, như người ta nói “đạo cao một sào, ma cao một trượng”, các tin tặc chuyên dò tìm lỗ hổng bảo mật đều thuộc hàng cao thủ. Ngày đêm họ chỉ có mỗi việc là tập trung dò tìm và khai thác các lỗi trong lập trình, trong quản lý, phát hiện “cổng hậu” phần cứng của thiết bị mạng, nên việc phát hiện các lỗ hổng chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Theo Chỉ số Breach Level Index của Tổ chức theo dõi rò rỉ thông tin mạng Gemalto (Hà Lan), thông tin bị lộ có nguồn gốc từ các mạng xã hội trong nửa đầu năm 2018 chiếm đến 56% trong tổng số 4,5 tỉ cơ sở dữ liệu người dùng bị rò rỉ trên toàn thế giới.
Sáu tháng đầu năm 2018, đã có 4,5 tỉ bộ dữ liệu cá nhân người dùng bị rò rỉ (trong đó từ mạng xã hội chiếm đến 56%) WEARESOCIAL
Việc rò rỉ thông tin người dùng là điều rất đáng sợ, tin tặc có thể sử dụng các thông tin này để đăng nhập và chiếm đoạt tài khoản người dùng vào mục đích xấu. Đơn cử như trong thời gian qua, nhiều người dùng Facebook ở Việt Nam bị “hack” mất tài khoản, kẻ xấu dùng tài khoản đó để lừa tiền các bạn bè Facebook của nạn nhân, hoặc dùng tài khoản đó để bán quảng cáo. Trầm trọng hơn là kẻ xấu dùng vào mục đích phát tán các thông tin nhạy cảm, nội dung sex hoặc chống phá nhà nước mang lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người chủ tài khoản bị hack.
Trên bình diện quốc gia, dù có ban hành những quy định bảo mật nghiêm ngặt đến đâu đi nữa, một chính phủ cũng không thể nào giám sát và quản lý việc sử dụng mạng xã hội của các nhân viên, công chức. Và, không phải ai cũng có kiến thức về bảo vệ thông tin cá nhân và cảnh giác khi dùng mạng xã hội, ngay cả ở Mỹ và các nước phương Tây cũng thế.
Bộ Quốc phòng Mỹ và các nhà thầu của họ cũng đã bị tin tặc nước ngoài đánh cắp nhiều thông tin mật vì nhân viên của họ vô tình tạo sơ hở cho tin tặc xâm nhập vào hệ thống máy tính nơi họ làm việc. Chỉ một động tác đơn giản là nhấn vào một liên kết (link) do “một người bạn nào đó” gửi đến qua Facebook hay Messenger (hoặc qua email của Gmail) là đủ để kích hoạt một phần mềm gián điệp xâm nhập vào máy tính của họ, dọn đường cho tin tặc đột nhập vào hệ thống máy chủ.
Một quốc gia có hệ thống mạng máy tính hiện đại và chú trọng về khâu an ninh mạng như Mỹ mà còn bị thế. Đặt trường hợp một quốc gia đang phát triển với hạ tầng viễn thông và mạng máy tính có phần lạc hậu, người dùng chưa có ý thức cảnh giác về bảo vệ bản thân khi dùng mạng thì nguy cơ còn lớn đến đâu? Bởi, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai quốc gia, tin tặc nước thù địch sẽ tấn công vào mạng máy tính điều hành viễn thông liên lạc, truyền tải năng lượng, phân phối nước sinh hoạt và sản xuất, giao thông vận tải, mạng lưới thông tin quân sự quốc phòng… gây tê liệt các hoạt động trọng yếu của quốc gia đó. Đó là đòn đánh cực kỳ hiểm độc, không tốn một viên đạn nhưng đủ sức buộc đối phương phải quỵ gối quy hàng.
Thống kê lượng người dùng internet và mạng xã hội trên thế giới năm 2018 Wearesocial

Quyền lực của mạng xã hội

Có thể đặt ví dụ trường hợp của Facebook. Một mạng xã hội như Facebook hiện có đến 2,2 tỉ người dùng ở khắp các châu lục, chiếm gần 30% dân số thế giới (7,5 tỉ người). Với tốc độ cập nhật thông tin gần như tức thời của mạng xã hội này, cho dù có tập trung các tờ báo truyền thống khắp thế giới cũng không thể nào có lượng phát hành cực lớn và tốc độ thông tin "nhanh như điện" của Facebook. Với việc toàn quyền muốn “đẩy” (push) tin tức nào mà Facebook muốn lên trang tin (news feed) của người dùng, việc chi phối dư luận của mạng xã hội này là điều không khó khăn gì.
Một vấn đề cần lưu ý là cơ chế lọc và chuyển thông tin bằng trí tuệ nhân tạo (AI) của Facebook sẽ chỉ đưa đến người dùng những tin dựa trên thói quen tìm kiếm và sở thích của người đó. Do đó, nó sẽ liên kết những người có cùng suy nghĩ và sở thích đến với nhau, tạo thành những cộng đồng có cùng suy nghĩ, sở thích và chính kiến ngày càng lớn.
Người dùng Facebook trong nước có khi thường tìm kiếm một chủ đề ưa thích, ví dụ như ẩm thực, thời trang, thiết bị điện tử, hoặc một dạng tin tức về xã hội, chính trị nào đó... chỉ sau đó không lâu, các quảng cáo và tin tức về các chủ đề đó sẽ được Facebook dồn dập "đẩy" lên trang tin của người dùng. Đó là một kiểu tạo thành thói quen sử dụng, thoạt đầu, xuất phát từ thói quen tìm kiếm thông tin của người dùng, dần dần nó sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác để ngầm chi phối sở thích và âm thầm định hướng suy nghĩ của người dùng.
Điều này nói lên rằng, nếu muốn, Facebook có thể “dắt mũi” dư luận thế giới theo ý nó. Và đây là một nguy cơ tiềm tàng cho nền an ninh một đất nước nào đó, giả định trong trường hợp Facebook lơ là trong việc kiểm duyệt các thông tin sai lạc, hoặc cố ý bỏ qua. Nó chỉ cần đẩy lên trang tin người dùng một số thông tin sai lệch nào đó, một vài đoạn video được dàn dựng nào đó (tất cả đều rất khó để kiểm chứng tính xác thực) là có thể kích động sự phẫn nộ, chống đối (hoặc ủng hộ) chính phủ của công chúng. Và, quốc gia đó cho dù có ban hành hàng trăm đạo luật cũng không thể chi phối một mạng xã hội của nước ngoài, trừ khi "cấm cửa" như kiểu Trung Quốc đang làm.  
Ngay cả một chính phủ có cung cách quản lý xã hội theo nền tảng thượng tôn pháp luật như Mỹ cũng không chống nổi sức ảnh hưởng rộng lớn của các mạng xã hội. Người ta đã thấy điều đó trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ hồi 2016, khi trên Facebook - theo cáo buộc của FBI và NSA là do hacker Nga tung tin gây nhiễu - có rất nhiều thông tin sai lệch về các ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump. Điều này đã ít nhiều tác động đến quyết định bỏ phiếu của đông đảo cử tri Mỹ. Thậm chí đã có một số vụ việc người dùng mạng xã hội ở Mỹ có những hành vi bạo lực chỉ vì quá tin vào các thông tin ngụy tạo này.
Hiện thời, ngay cả ở Mỹ cũng chưa có đạo luật nào để chi phối và bảo đảm sự trung thực của các mạng xã hội khi truyền tải và quản lý tính xác thực của các thông tin chia sẻ trên mạng. Quy mô của các mạng xã hội ngày càng lớn kèm theo đó là sức tác động cũng tăng tương ứng. Theo nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu We Are Social (Anh), năm 2018, toàn thế giới có 4 tỉ người dùng internet, trong đó có 3,2 tỉ người dùng các mạng xã hội. Cũng trong năm này, các mạng xã hội đã có thêm 415 triệu thành viên đăng ký mới. Con số người dùng mạng xã hội sẽ ngày càng tăng trong tương lai, khi internet càng phổ biến rộng khắp và giá thiết bị di động ngày càng rẻ hơn giúp cho người dân có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển dễ dàng tiếp cận với các mạng xã hội.
Mạng xã hội càng phát triển, thì quyền lực ngầm của nó sẽ ngày càng hùng mạnh. Điều gì sẽ xảy ra nếu các đại gia công nghệ và dịch vụ như Google, Facebook, Microsoft, Intel, SapceX, Amazon... đồng lòng liên kết lại với nhau? Đó sẽ là một đế chế siêu quyền lực, một siêu cường quốc trên không gian ảo, có thể chi phối mọi phương diện trong đời sống và suy nghĩ từng cá nhân ở các nước khác, định hướng dư luận thế giới theo hướng nó muốn. Nhất là khi nó sẽ cung cấp kết nối internet miễn phí cho toàn cầu qua hệ thống vệ tinh, khí cầu, máy bay không người lái.
Bởi thế, không phải là tự nhiên mà vào tháng 3.2019, nữ ứng viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2020 Elizabeth Warren tuyên bố là nếu đắc cử Tổng thống, bà sẽ ban hành quyết định chia nhỏ Google, Facebook, Amazon và các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác. Bà đã nhìn thấy quyền lực xuyên quốc gia của các doanh nghiệp, tuy không có lực lượng vũ trang, nhưng có quyền lực còn khủng khiếp hơn súng đạn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.