Robot đòi nợ 'hăng hái' gọi người mắc nợ đến 1.800 lần

Thu Thảo
Thu Thảo
19/03/2019 19:59 GMT+7

Hơn 1/4 người tiêu dùng Mỹ nhận được cuộc gọi tự động nhắc nhở về các hóa đơn quá hạn, nhiều người bị gọi đến hàng trăm lần trong một tháng vì thanh toán trễ hoặc mắc nợ, theo YouMail, dịch vụ chặn cuộc gọi robot.

CNBC mới đây dẫn câu chuyện của bà Paula Hanson. Điện thoại của bà không ngừng đổ chuông, bất chấp bà đã nỗ lực giải thích với tất cả nhân viên tại Discover Bank về tình cảnh của mình. Đầu tiên, bà bị sa thải. Sau đó, cha bà bị bệnh và bà phải chăm sóc cho ông. Không lâu sau khi cha qua đời, bà cũng trở thành người vô gia cư ở tuổi 62. Hanson đơn giản là không có tiền để thanh toán khoản nợ thẻ tín dụng 17.000 USD với Discover Bank.
Dù thế, các cuộc gọi vẫn không dứt. “Lúc đầu chỉ có một cuộc gọi mỗi ngày, song sau đó thì khoảng ba cuộc gọi mỗi ngày”, bà Hanson nói. Cuối cùng, nhà băng gọi bà đến năm lần mỗi ngày. Bà phải đồng ý thanh toán 50 USD cho ngân hàng Discover dù chỉ còn 200 USD trong tài khoản chỉ để bớt bị làm phiền.
Hơn 1/4 người tiêu dùng Mỹ nhận được các cuộc gọi tự động về hóa đơn quá hạn, theo dữ liệu do YouMail cung cấp. Với nhiều người, tần suất cuộc gọi là quá mức. “Một số người nhận được đến hàng trăm cuộc gọi trong một tháng về một khoản nợ hoặc thanh toán trễ”, CEO YouMail Alex Quilici cho hay.
Nhiều người cho rằng “cơn lũ” cuộc gọi robot (robocall) là của những kẻ lừa đảo, song thực tế, tám trong số 10 cuộc gọi robot là để thúc giục người được gọi trả tiền. Nhiều doanh nghiệp dùng máy quay số tự động để thu nợ vì chúng rẻ và dễ dùng. Chuyên gia công nghệ thông tin Jeff Hansen cho hay khi ông làm việc tại một tổng đài điện thoại, những chiếc máy này quay số gọi hơn 1 triệu người mỗi giờ, với giá chưa đến 1 xu cho mỗi cuộc gọi.
Cách hoạt động của công nghệ này khiến người tiêu dùng khó lòng dừng cuộc gọi. “Bạn nhận được 10 cuộc gọi một ngày và trong cuộc gọi đầu tiên, bạn nói ‘Tôi không có tiền, đừng gọi nữa’. Tuy nhiên, thủ tục tự động dạng này khiến mọi người không thể thoát. Trình quay số được lập trình cho cả ngày, vì thế nó sẽ tiếp tục gọi cho bạn”, ông Hansen chia sẻ.
Tình cảnh của Tonya Stevens cũng gần giống với bà Hanson. Bà Stevens mua một vài món, trong đó có máy giặt và máy sấy, từ chuỗi cửa hàng đồ nội thất Conn’s HomePlus vào năm 2014. Bà cho hay mình thanh toán nhiều lần hằng tháng, nhưng gửi chúng muộn hơn so với thời điểm cửa hàng mong muốn. Nhân viên Conn’s gọi bà cả sáng, trưa lẫn tối, khoảng 5-11 lần mỗi ngày. Tổng cộng, cửa hàng này gọi bà Stevens đến 1.800 lần.
Một người khác là Karl (yêu cầu giấu họ) thì nhận được từ 9-10 cuộc gọi tự động mỗi ngày. Tổng cộng, ông bị gọi đến 1.300 lần. Tất cả chỉ vì ông mua nhẫn đính hôn giá 2.500 USD từ cửa hàng Sterling Jewelers mà gặp khó khăn sau đó và không có tiền trả hết.
Dưới chính sách “thân thiện với các ngành công nghiệp” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều hãng nỗ lực tăng cường gọi điện thoại để đòi nợ, luật sư Billy Peerce Howard tại hãng The Consumer Protection Firm cho hay: “Người tiêu dùng gọi đến văn phòng của tôi và than phiền về sự quấy rối dường như tăng gấp đôi chỉ một đêm sau khi ông Trump đắc cử”.
Không những thế, sắp tới họ còn có khả nang phải “chịu trận” nhiều hơn. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đang trong quá trình quyết định phạm vị của đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng, trong đó cấm doanh nghiệp gọi tự động đến điện thoại di động của người tiêu dùng mà không được cho phép. Dù vậy, luật này có thể sẽ mỏng đến mức hầu hết doanh nghiệp vẫn “lách” được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.