Qualcomm đang 'chịu đòn' từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

26/07/2018 11:33 GMT+7

Rất nhiều công ty đã bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng không phải ai cũng gặp nhiều chướng ngại như Qualcomm.

Theo CNN, nhà sản xuất chip có trụ sở tại San Diego (Mỹ) sẽ phải từ bỏ việc mua lại hãng bán dẫn NXP Semiconductors của Hà Lan với giá 44 tỉ USD nếu không nhận được sự chấp thuận từ các nhà quản lý ở Bắc Kinh.
Thương vụ này lần đầu tiên được công bố cách đây 20 tháng và bị chính phủ Trung Quốc trì hoãn trong thời gian qua giữa lúc căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Có thể Trung Quốc sẽ bật đèn xanh cho việc sáp nhập vào phút cuối, nhưng trước mắt động thái này là điều không chắc chắn.
“Bằng cách này hay cách khác, tôi cũng sẽ nghiêng về phía không có thỏa thuận”, Christopher Rolland, chuyên gia phân tích của Susquehanna International Group, người chuyên theo dõi các công ty bán dẫn, nhận định.
Nếu thỏa thuận không được thông qua, Qualcomm sẽ phải trả cho NXP một khoản phí hủy bỏ trị giá 2 tỉ USD. Đây không phải là lần đầu tiên hãng bán dẫn Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tháng 3.2018, trong một động thái bất thường Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định ngăn chặn gói thầu 117 tỉ USD của Broadcom để tiếp quản Qualcomm do lo ngại về các vấn đề an ninh quôc gia. Chính quyền ông Trump cũng đang xem xét đưa ra thuế quan đối với chất bán dẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Một tổ chức thương mại đại diện cho Qualcomm nói rằng điều đó sẽ làm tổn thương ngành bán dẫn Mỹ vì các công ty Mỹ thường gửi hầu hết số chip đã hoàn thành sang quốc gia châu Á để lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Do vậy, họ có thể phải đối mặt với thuế quan khi số chip này được chuyển ngược về nước.
Những diễn biến đột ngột của cuộc chiến thương mại cũng đã làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn gần đây của Qualcomm. Hãng này sản xuất hầu hết các thiết bị phát thanh và chip điện thoại thông minh, nhưng hai trong số các khách hàng lớn nhất của công ty là Apple và Huawei đang chiến đấu với Qualcomm về vấn đề thanh toán tiền bản quyền. Apple có thể sẽ chuyển sang sử dụng chip của Intel, thay vì dùng chip của Qualcomm, cho những chiếc iPhone mới nhất trong năm nay. Giới chức Mỹ hiện cũng lo ngại rằng Qualcomm sẽ phải đối mặt với những biến chứng từ thuế nhập khẩu của Trung Quốc.
Ngoài ra, hiện Qualcomm đang phải đối mặt với sự giám sát pháp lý trên khắp thế giới. Công ty đã bị Liên minh châu Âu (EU) phạt 1,2 tỉ USD hồi tháng 1.2018 vì vi phạm chống độc quyền. Ba năm trước đó, Qualcomm cũng bị Trung Quốc phạt gần 1 tỉ USD vì vấn đề tương tự.
Tháng 10.2016, Qualcomm tuyên bố sáp nhập với NXP, với hy vọng thỏa thuận này sẽ cho phép công ty mở rộng sang các doanh nghiệp mới. Qualcomm tập trung vào chip điện thoại, trong khi chuyên môn của NXP là về bảo mật vi mạch và chip cho xe hơi. Kể từ đó, thị trường đã chuyển dịch. Nhu cầu về chip vững chắc, nhưng thu nhập của NXP không mạnh như mong đợi, theo Rolland cho hay.
Trong trường hợp thương vụ này bị bỏ qua, cú đòn mà Qualcomm nhận được sẽ không hề dễ chịu. Hãng công nghệ Mỹ cho biết họ sẽ theo đuổi việc mua lại cổ phiếu nếu không thể mua NXP. Dự kiến đến hết ngày 25.7, Qualcomm sẽ nhận được câu trả lời từ phía giới chức Trung Quốc. Tuần trước, ông Steve Mollenkopf, giám đốc điều hành Qualcomm, nói với tờ The New York Times rằng công ty sẽ không kéo dài thêm vấn đề sau khi nhận được quyết định.
Trái ngược với với ông Rolland, ông Paul Triolo, chuyên gia về chính sách công nghệ toàn cầu tại Eurasia Group, lại dự đoán thỏa thuận này nhiều khả năng sẽ được phê duyệt vì nếu không Bắc Kinh có thể sẽ gặp phải một số phản ứng từ phía Mỹ.
Ông Triolo lưu ý rằng, mặc dù đã giảm bớt hình phạt cho ZTE, nhưng chính phủ Mỹ vẫn giữ quyền lực to lớn đối với hãng viễn thông Trung Quốc. “Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ không muốn đặt ZTE vào tình thế nguy hiểm một lần nữa”, ông Triolo nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.