QLED và OLED: đâu là lựa chọn đúng?

27/12/2019 14:00 GMT+7

Thời đại của TV CRT, LCD, Plasma đã qua. Ngày nay, đại diện cho hai "thế lực" mới trên thị trường TV là tấm nền diode hữu cơ độc lập OLED và chấm lượng tử QLED.

Vậy chính xác chúng là gì, sự khác biệt ở đâu, nếu bạn muốn chất lượng hình ảnh tốt nhất thì nên chọn công nghệ nào?
Ngày nay công nghệ TV đang ngày càng phát triển với nhiều tiến bộ. Những nội dung số có độ phân giải 4K, hỗ trợ HDR đã nhiều hơn và sẵn sàng cho bạn sử dụng bất kỳ lúc nào và ở đâu. Nhưng đây cũng là thời điểm dễ gây hiểu nhầm nhất với những công nghệ trên TV, hàng loạt từ viết tắt và thuật ngữ tiếp thị mới đang làm mưa làm gió trên thị trường. Điều này khiến người mua phân vân trước việc chọn lựa sản phẩm.
Cùng theo dõi bài viết này để hiểu được sự khác biệt giữa 2 loại màn hình có công nghệ mới nhất hiện nay và có cho mình lựa chọn phù hợp nhất cho phòng khách dịp tết này nhé.
Để lựa chọn một chiếc TV phù hợp cần phải hiểu rõ sự khác biệt giữa hai dòng TV nổi bật trên thị trường hiện nay

Để lựa chọn một chiếc TV phù hợp cần phải hiểu rõ sự khác biệt giữa hai dòng TV nổi bật trên thị trường hiện nay

Ưu và nhược điểm của OLED

OLED (Organic Light-Emitting Diode) là công nghệ màn hình sử dụng các tấm nền cấu tạo từ các diode hữu cơ phát quang, tất cả các điểm ảnh trên tấm nền này sẽ tự động thay đổi trạng thái bật và tắt khi có dòng điện chạy qua một cách độc lập với nhau mà không cần hệ thống đèn nền như các dòng tivi LED hay hệ thống đèn UV như các dòng tivi Plasma trước đó.
Ưu điểm của OLED chính là độ mỏng của màn hình, một chiếc TV OLED có thể mỏng chỉ 2,75 mm, tương đương với 2 đồng xu hay 4 tấm thẻ tín dụng xếp chồng lên nhau. Rõ ràng so với những chiếc TV truyền thống, các mẫu TV OLED hiện nay mỏng hơn rõ rệt.
Ngoài ra, OLED còn nổi bật với khả năng hiển thị màu đen sâu nhất nhờ sử dụng các điểm ảnh tự phát sáng. Các điểm ảnh này có thể bật hoặc tắt để cho ra màu đen sâu hơn so với trên TV LED/LCD.
Tuy vậy, màu đen sâu trên OLED thường chỉ hiển thị tốt trong điều kiện phòng tối. Còn muốn màn hình vẫn hiển thị rõ trong một căn phòng khách nhiều ánh sáng, người xem bắt buộc phải tăng độ sáng lên. Tuy nhiên điều này lại gây ra một vấn đề nan giải - nếu tăng độ sáng của điểm ảnh lên mức tối đa, tuổi thọ của chúng sẽ giảm nhanh đáng kể, làm hiện tượng lưu ảnh (burn in) càng dễ xảy ra hơn. Hiện tượng lưu ảnh là một điểm yếu của màn hình OLED, xảy ra khi xem một hình ảnh tĩnh trong thời gian dài (như logo đài truyền hình, bảng tỷ số trong các trận thi đấu thể thao…), gây ra các bóng mờ trên màn hình.
Tấm nền cực mỏng là ưu điểm của TV OLED

Tấm nền cực mỏng là ưu điểm của TV OLED

Ưu và nhược điểm của QLED

Một hãng sản xuất TV lớn khác là Samsung lại phát triển một công nghệ khác: QLED. Công nghệ QLED là viết tắt của Quantum-dot Light-Emitting Diode tức là diode phát quang chấm lượng tử. Các chấm lượng tử này cho phép tạo ra màu sắc rất tươi sáng, rực rỡ và đa dạng.
So với OLED, QLED có điểm yếu là dày hơn, và độ hiển thị màu đen không sâu bằng. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, những thay đổi và phát triển về công nghệ của Samsung đối với tấm nền QLED đang tiến triển rất tốt. Cụ thể là các dòng QLED năm 2019 của hãng đã cho phép góc nhìn rộng hơn, không thua kém quá nhiều so với màn hình OLED, màu đen cũng sâu và ấn tượng hơn.
Bên cạnh đó, TV QLED có màu sắc vô cùng rực rỡ tái tạo lại màu sắc của thiên nhiên và độ sáng cao. Điều này được lý giải bởi khả năng tối đa hóa ánh sáng của chấm lượng tử bằng cách tạo ra các màu sáng hơn trong phổ màu mà không làm mất độ bão hòa. Từ đó, QLED cho phép người dùng có một màn hình đủ sáng để có thể nhìn thấy rõ dù trong môi trường ánh sáng yếu hay các phòng sáng nhất, thích hợp với các gia đình thích tận dụng ánh sáng thiên nhiên trong phòng khách gia đình.
Độ sáng khác nhau giữa OLED và QLED

Độ sáng khác nhau giữa OLED và QLED

Ngoài ra, tuổi thọ cũng là một điểm mạnh của QLED. Điều này được lý giải bởi hai nhà nghiên cứu của Samsung, gồm tiến sĩ Eunjoo Jang và tiến sĩ Yu-Ho Won, đã xuất bản một bài báo trên Nature về công nghệ QLED mới dựa trên indium phosphide thay vì cadmium độc hại và có tuổi thọ lên tới hàng triệu giờ. Thiết kế vỏ cải tiến của chúng dường như tăng hiệu quả bằng cách ngăn chặn quá trình ô xy hóa và rò rỉ năng lượng.
Bên cạnh đó, QLED đặc biệt có ưu thế trong việc giải quyết hiện tượng lưu ảnh trên TV, hiện tượng này xảy ra khi các hình ảnh tĩnh hiển thị trong thời gian dài bị lưu giữ thành một bóng mờ chèn lên các nội dung hiển thị khác. Samsung hiện tại cũng là nhà sản xuất TV trên thị trường dám đứng ra cam kết bảo hành 10 năm không lưu ảnh cho khách hàng của mình.
Nhìn chung, mỗi sản phẩm đều có thế mạnh riêng, nên chọn mua dòng tivi nào giữa TV OLED và TV QLED phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy vậy, trước khi quyết định mang một chiếc TV về nhà, hãy chắc chắn rằng chiếc TV đó có khả năng đồng hành lâu dài cùng gia đình bạn. Đặc biệt khi TV là một món hàng đắt tiền, không thường xuyên thay đổi và là một khoản đầu tư khá lớn cần cân nhắc cẩn thận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.