Phải mất bao lâu nữa mới có vắc xin ngừa Covid-19?

13/06/2020 08:41 GMT+7

Có lẽ chúng ta sẽ phải đợi sớm nhất là tới tháng 1.2021 mới có một loại vắc xin cho Covid-19 , đó cũng là nhận định của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ đưa ra vào thời điểm này.

Theo các số liệu mới nhất thì các ca nhiễm virus Corona chủng mới vẫn đang tiếp tục tăng lên ở khoảng một phần ba số tiểu bang ở Mỹ, trải dài từ Nam Carolina và Florida cho đến Arizona và Illinois, điều này làm dấy lên mối lo ngại về làn sóng thứ hai của virus có thể khiến nhiều nơi tê liệt sau khi đã kiệt quệ trong đợt dịch này. Đối với nhiều người Mỹ, họ đã quá mệt mỏi vì bị áp dụng lệnh cách ly xã hội và phải đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài.
Trong khi chưa một tổ chức nào chính thức tạo ra được vắc xin đặc hiệu cho virus Corona mới thì nhiều nơi bắt đầu phải nới lỏng và thậm chí là loại bỏ hết các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Các trường học đã bắt đầu mở cửa trở lại, các bộ môn và sự kiện thể thao dự kiến cũng sẽ tiếp tục, dù quy mô một số sự kiện lớn như các lễ hội âm nhạc, các hội nghị công nghệ và thế vận hội đã được cân nhắc nhưng chắc chắn không thể trì hoãn mãi. Vậy chúng ta sẽ cần phải làm gì để sớm tạo ra một loại vắc xin có khả năng giúp bạn miễn nhiễm Covid-19 ở những nơi có nguy cơ lây lan cao?
Thật không may, câu trả lời là thời gian! Các vắc xin thường phải mất nhiều năm và thậm chí là hàng thập kỷ để phát triển, phê duyệt, sản xuất và phân phối trên toàn cầu. Điều đó cũng cho thấy chưa bao giờ các bác sĩ và các nhà khoa học phải làm việc chăm chỉ, nhanh chóng đến vậy để tập trung nhằm tạo ra một vài loại vắc xin đặc hiệu cho Covid-19. Chỉ sau 6 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19) được phát hiện đầu tiên, có gần chục dự án phát triển vắc xin cho loại virus Corona mới này đang được tiến hành trên toàn cầu.
Trong bài phỏng vấn gần đây, tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ cho biết, ông hy vọng Mỹ sẽ có hàng trăm triệu liều vắc xin được sẵn sàng triển khai vào đầu năm 2021. Fauci cho biết ông đang trực tiếp làm việc với 4-5 dự án vắc xin khác nhau và đều đang trong quá trình thử nghiệm ở người hoặc sắp thử nghiệm.
Một trong những dự án đó do công ty công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại Massachusetts dẫn đầu đã tuyên bố sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng rộng rãi ở giai đoạn 3 vào tháng 7 tới, có thể được thử nghiệm trên 30.000 người. Các ứng cử viên khác cũng tham gia cuộc chạy đua tìm ra vắc xin cho Covid-19 bao gồm các nhà nghiên cứu từ Oxford Vaccine Group (trực thuộc Đại học Oxford của Anh) phối hợp với công ty dược phẩm Astra Zeneca, Pfizer và nhà phát triển vắc xin Sinovac của Trung Quốc.

Những ứng viên sáng giá: Moderna và Đại học Oxford

Moderna đã trở thành một trong những cái tên được nhắc nhiều khi nói đến việc phát triển vắc xin Corona, cả tích cực lẫn tiêu cực. Các báo cáo về thử nghiệm ban đầu của Moderna cho thấy lời hứa về khả năng miễn dịch của loại vắc xin mà họ đang phát triển đã khiến cổ phiếu của Moderna tăng vọt . Tuy nhiên, ngay sau đó các nhà khoa học đã nghi ngờ về dữ liệu của công ty và khiến cổ phiếu của công ty đảo chiều đi xuống.
Moderna là công ty hưởng lợi từ chương trình của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đẩy nhanh quá trình tìm kiếm vắc xin. Cụ thể, FDA đặc cách cho phép các phòng thí nghiệm được chọn bỏ qua một vài quy trình và thủ tục truyền thống để nhanh giảm thiểu thời gian nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin. Công ty đã chạy thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và báo cáo sơ bộ cho thấy họ được phép chuyển qua giai đoạn 2 ở quy mô lớn hơn, hiện họ đang ở giai đoạn thử nghiệm này. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 tới.

Các mẫu vắc xin Covid-19 của Đại học Oxford đã bắt đầu được tiêm lên người

Ảnh: Oxford

Một loại vắc xin triển vọng khác đang được phát triển tại Đại học Oxford ở Anh. Các nhà khoa học ở đây cho biết vắc xin của họ có thể sẽ sẵn sàng ra mắt vào mùa thu năm nay. Để có được tốc độ vượt bậc đó, Oxford đã kết hợp những kinh nghiệm từ thành công trong quá khứ và cả việc hợp tác với tập đoàn dược phẩm khổng lồ AstraZeneca (liên minh giữa Anh và Thụy Điển). Họ cho biết, vắc xin dành cho Covid-19 của họ dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đồng thời giai đoạn 2 và giai đoạn 3 ngay trong tháng 6 này.

Sẽ chỉ có một loại vắc-xin cho tất cả mọi người?

Các loại vắc xin khác thì không rõ, nhưng Fauci đã gợi ý rằng có thể phải sử dụng một số loại vắc xin khác nhau do các phòng thí nghiệm khác nhau sản xuất và phân phối để có được hiệu quả tốt nhất nhằm loại bỏ Covid-19 khỏi cuộc sống của con người trên toàn cầu.

Mất bao lâu mới có thể tạo ra vắc xin?

Vắc xin là một phương pháp điều trị y tế để bảo vệ bạn chống lại một căn bệnh cụ thể, ví dụ như virus Corona hay bệnh đậu mùa. Bạn có thể tìm hiểu về chúng trong các tài liệu chuyên môn và trên internet. Nhìn chung, vắc xin sử dụng cơ chế dùng chính virus đã bị làm suy yếu để đánh lừa cơ thể bạn rằng mình đang bị mắc bệnh, từ đó cơ chế miễn dịch tự nhiên của cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại nó, giúp bạn miễn nhiễm với loại virus đó trong tương lai.
Thông thường thì phải mất khoảng 10-15 năm mới phát triển ra được một loại vắc xin, vì các biện pháp điều trị y tế mới cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng về tính an toàn trước khi nó được bán ra và tiêm cho hàng triệu (thậm chí là hàng tỉ) người trên toàn thế giới. Các vắc xin như quai bị chỉ mất 4 năm để phát triển và đó cũng là loại vắc xin được phát triển nhanh nhất tính đến nay trong lịch sử các bệnh truyền nhiễm.
Riêng với Covid-19, Mỹ và các quốc gia khác đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, thậm chí Oxford còn chủ động sản xuất trước khoảng 1 triệu liều song song với quá trình thử nghiệm để sẵn sàng phân phối cho người dân sau khi thử nghiệm lâm sàng thành công.

Vì sao vắc xin có thể là chìa khóa để kết thúc đại dịch?

Hầu hết các chuyên gia y tế dự đoán rằng Covid-19 sẽ không ngừng lây lan khắp nơi cho đến khi đạt tầm 60 - 70% dân số thế giới được miễn dịch, theo họ thì cách duy nhất để đạt được mức độ miễn dịch này mà không phải hứng chịu số người chết khủng khiếp là phải dùng vắc xin. Đó cũng là ý kiến của Carl T. Bergstrom, Giáo sư sinh học tại Đại học Washington và cả Natalie Dean - Phó giáo sư về sinh học tại Đại học Florida (Mỹ) chia sẻ trong một bài đăng tải trên New York Times.

Còn các dự án vắc xin khác dành cho Covid-19?

Hiện tại có hơn 100 loại vắc xin Covid-19 được các cơ quan và tổ chức phát triển ở các nước trên thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc, trong đó có 13 loại đã sẵn sàng thử nghiệm lâm sàng vào tháng trước. Điều đó có nghĩa là đang có nhiều nhà khoa học làm việc chăm chỉ hơn và nhanh hơn trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp vắc xin hơn bao giờ hết. Nhưng ngay cả khi một hoặc nhiều loại vắc xin đang nghiên cứu có hiệu quả, thì quy trình phê duyệt của FDA thường phải kéo dài mất một năm hoặc lâu hơn.

Nhiều sân bay và cửa khẩu của các nước vẫn duy trì thiết bị theo dõi thân nhiệt

Ảnh: AFP

Tỷ lệ thành công của vắc xin

Theo báo cáo đặc biệt của Reuters, các thống kê từ trước đến nay cho thấy, chỉ khoảng 6% ứng viên vắc xin có cơ hội thành công và góp mặt trên thị trường. Không phải vì các ứng viên còn lại thất bại hoặc không hiệu quả, mà có nhiều vấn đề có thể khiến một số dự án đáng lẽ thành công hoặc đầy triển vọng cũng bị hủy bỏ giữa chừng.
Lấy ví dụ, những gì đã xảy ra khi các nhà khoa học cố gắng phát triển một loại vắc xin SARS - tiếc rằng loại vắc xin này đã phản tác dụng và thậm chí còn khiến mọi người dễ mắc bệnh hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với vắc xin sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, loại virus Corona đặc biệt này, SARS-CoV-2, có một số đặc điểm độc đáo có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu về vắc xin. Ví dụ, một số loại virus như cúm đột biến nhanh và thường xuyên, đó là lý do tại sao có vắc xin cúm mới hằng năm để đặc trị chúng. Nhưng các bằng chứng ban đầu cho thấy dường như virus Corona mới không giống vậy. Đó là cơ hội để các nhà khoa học tìm ra vắc xin đặc hiệu, dù vẫn còn quá sớm để khẳng định khi mà vẫn còn có nhiều điều chưa biết về hành vi của loại virus này.

Vắc xin thường phải qua các giai đoạn phê duyệt nào?

Các quy tắc và quy định khác nhau tùy theo quốc gia, nhưng nói chung, hầu hết các quốc gia phát triển đều có những quy trình tương tự để phê duyệt vắc xin. Dưới đây là các bước phê duyệt một loại vắc xin tiêu chuẩn của FDA ở Mỹ:
- Trước khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng: Khi một phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển một loại vắc xin tiềm năng, bao gồm các thử nghiệm trên động vật và thực hiện các quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng đảm bảo, nó có thể được FDA phê duyệt để thử nghiệm lâm sàng.
- Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1: Vắc xin được thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả ở một số lượng nhỏ (hàng chục) đối tượng (con người) và được theo dõi chặt chẽ.
- Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2: Các liều vắc xin khác nhau được thử nghiệm trên hàng trăm đối tượng là con người.
- Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3: Hàng ngàn đối tượng được đăng ký tình nguyện thử nghiệm để đo lường hiệu quả tổng thể của vắc xin ở quy mô lớn.
- Nếu vắc xin vượt qua cả ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, phòng thí nghiệm sẽ phải nộp đơn xin FDA cấp giấy phép sản xuất và phân phối vắc xin. Sau đó, vắc xin sẽ được các nhà khoa học trong và ngoài FDA xem xét và phản biện.
- Nếu được phê duyệt, phòng thí nghiệm bắt đầu sản xuất vắc xin hàng loạt và FDA sẽ giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất đại trà này.
- Giai đoạn 4: Mặc dù tại thời điểm này, vắc xin đã có thể được phát hành ra thị trường, nhưng nhiều loại vắc xin vẫn sẽ tiếp tục chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 4, theo đó FDA sẽ tiếp tục xem xét tính an toàn và hiệu quả thực tế của vắc xin.

Điều gì xảy ra nếu chúng ta không bao giờ tìm thấy vắc xin cho Covid-19?

Nếu không có vắc xin cho Covid-19, chúng ta sẽ phải duy trì giao tiếp như thế này?

Ảnh: AFP

Chúng ta càng mất thời gian để tìm kiếm vắc xin thì càng có nhiều khả năng phải tập trung vào các phương pháp điều trị, chẳng hạn các loại thuốc chống virus này đã ít nhiều hứa hẹn mang lại kết quả tích cực. Khi các phương pháp điều trị hiệu quả, nhiều loại virus vốn từng gây ra nguy cơ tử vong cao đã không còn là sát thủ quá đáng sợ nữa. Ví dụ, các bệnh nhân nhiễm HIV có thể mong đợi đạt tuổi thọ gần ngang với những người bình thường khác nhờ những tiến bộ về điều trị.
Nhưng nếu vẫn không tìm ra vắc xin đặc trị cho Covid-19, con đường trở lại “cuộc sống bình thường” của con người có thể sẽ khó khăn và lâu hơn, dù không hẳn thế. Các chuyên gia cho biết, xét nghiệm virus corona bao gồm việc xét nghiệm kháng thể và nỗ lực truy vết sẽ cần được tăng cường để giảm thiểu tốc độ lây lan do bỏ sót người bệnh.
Các biện pháp cách ly xã hội hầu như đã được dỡ bỏ trên toàn thế giới mặc dù làn sóng thứ hai của virus Corona không phải là không thể xảy ra. Các thành phố đang nỗ lực đưa ra một số biện pháp phòng ngừa nhất định, bao gồm khuyến cáo đeo khẩu trang và theo dõi y tế diện rộng. Nhưng tất cả đều không thực sự an toàn cho đến khi chúng ta có vắc xin hoặc đạt tới ngưỡng 60-70% dân số có khả năng miễn dịch, cả hai điều này tính đến nay vẫn đang nằm ngoài tầm với của chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.