Nhóm hacker Việt đánh sập webchat của Anonymous?

21/11/2015 07:50 GMT+7

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho rằng cần phải điều tra làm rõ thông tin về “hacker VN” tấn công hệ thống webchat của nhóm Anonymous.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho rằng cần phải điều tra làm rõ thông tin về “hacker VN” tấn công hệ thống webchat của nhóm Anonymous.

Nhóm Anonymous và thông báo #Phisher khẳng định vụ tấn công là do hacker VN gây ra - Ảnh chụp lại màn hìnhNhóm Anonymous và thông báo #Phisher khẳng định vụ tấn công là do hacker VN gây ra - Ảnh chụp lại màn hình
Liên quan đến khủng bố?
Tối 18.11 (giờ VN), hệ thống webchat chính thức của nhóm hacker “khét tiếng” Anonymous bị tấn công và không thể truy cập. Tài khoản Twitter chính thức của Anonymous trong chiến dịch chống IS là #OpParis cũng đã xác nhận thông tin này. Nguyên nhân của việc tấn công chưa được xác định rõ thì tài khoản Twitter “#Phisher” đã lên tiếng khẳng định vụ tấn công là do ''5 hacker trẻ tuổi tại VN thực hiện'' và nhóm này có tên New Kings. #Phisher cũng cho rằng thành viên của nhóm đã bị Anonymous truy dấu và công khai danh tánh, gồm: TAK3R, PT2K2, EzsKey, NoLifeVN và DC27K2. Đáng lưu ý, Anonymous cũng đưa ra cảnh báo về nhóm New Kings “dường như có các thông tin gây hại đến dân thường, như cách làm bom, tấn công hay cả các hoạt động IS”.
Ngày 20.11, trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, một lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, cho biết sau khi có thông tin nêu trên, nhiều trinh sát công nghệ cao đã vào cuộc. Lãnh đạo Bộ Công an trước đó cũng đã có yêu cầu quản lý chặt các thuê bao di động; làm rõ, xử lý nghiêm những người lợi dụng internet, mạng xã hội đưa tin, bài bình luận, kích động tư tưởng Hồi giáo cực đoan, xúc phạm đạo Hồi, khiêu khích hành động khủng bố...
Về thông tin nhóm New Kings “gây hại đến dân thường, như cách làm bom, tấn công hay cả các hoạt động IS”, một cán bộ của C50 cho biết chưa nhận được thông tin này. Tuy nhiên, nếu điều này là sự thật thì hậu quả khó lường, có thể gây hậu quả đến tình hình an ninh trật tự của xã hội, ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của VN.
Lãnh đạo C50 cho rằng thông tin 5 hacker trẻ tuổi có phải là người VN hay không vẫn cần phải xác minh, phối hợp giữa các nước với nhau nhằm làm rõ. “Hack trang web xuất phát từ điểm A của VN tấn công đến điểm B nhưng sẽ không ai xác định được nguồn gốc xuất phát từ đâu nếu không phối hợp giữa các nước liên quan để điều tra làm rõ”, lãnh đạo này nói.
Hậu quả khôn lường
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch mảng An ninh mạng của Bkav, cho biết thực tế việc tấn công của nhóm New Kings không gây nguy hiểm và dễ thực hiện. Theo đó, kênh chat của nhóm Anonymous là một website dựa trên phương thức IRC. Đây là công nghệ cũ và được sử dụng trên những công cụ chat nhóm có từ rất lâu như IM, Yahoo! Messenger, MSN... Hacker vẫn thích trao đổi thông tin qua IRC bởi giao thức này không yêu cầu phải đăng ký, đăng nhập, khó lưu lại dấu vết mà chỉ cần điền tên và vào kênh bất kỳ là đã có thể tán gẫu với nhau. Do sử dụng công nghệ cũ nên trên mạng hiện nay có rất nhiều bài viết, công cụ hướng dẫn cách tấn công vào những trang web dạng này.
Ông Tuấn Anh cũng khẳng định Bkav “đã nắm rõ được thông tin của nhóm hacker New Kings và đúng là nhóm tin tặc này đang ở VN”. Thành viên của nhóm này đều là những học sinh có tuổi đời còn rất trẻ, trình độ hack cũng còn kém kinh nghiệm, ý thức nhận thức vấn đề chưa cao. “Tuy nhiên, dù như thế nào đi nữa thì việc thực hiện các hành vi phá hoại trên mạng rất đáng lên án, bởi nó có thể tạo ra những hệ lụy xấu. Chẳng hạn, nó có thể khiến cho các hacker quốc tế tấn công "trả đũa" vào các hệ thống mạng tại VN. Cho dù có những chuẩn bị, đối phó nhưng cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng, thiệt hại nếu việc này xảy ra”, ông Tuấn Anh nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích nếu thực sự có việc nhóm hacker VN tấn công webchat của nhóm hacker Anonymous thì nhóm này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 73 Nghị định 173/2013/NĐ-CP về hành vi truy cập và chiếm đoạt trái phép webchat của tổ chức Anonymous, với mức phạt từ 30 đến 50 triệu đồng. Còn luật sư Lê Ngọc Luân, Đoàn luật sư TP.HCM, khuyến cáo nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục tái phạm hoặc hành vi đó phù hợp với dấu hiệu tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, họ có thể chịu hình phạt tại điều 225 hoặc điều 226a bộ luật Hình sự về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông và tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số của người khác.
Anonymous là ai ?
Trang tin Business Insider Mỹ đã có bài viết về “chân tướng” của nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous. Anonymous (tạm dịch: Nặc danh) được cho là đã công bố danh tính của “hàng ngàn” tài khoản ủng hộ IS trên trang mạng xã hội Twitter, đồng thời cũng đã công khai thông tin cá nhân của các thành viên IS.
Anonymous được quy tụ lúc đầu không phải vì các hoạt động tuyên truyền, mà vì các hoạt động “troll” (thuật ngữ để chỉ các trò trêu chọc người khác trên mạng). Hoạt động của nhóm đậm tính chính trị hơn trong giai đoạn xảy ra các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập, diễn ra ở Tunisia hồi cuối năm 2010. Các thành viên Anonymous ủng hộ cuộc nổi dậy này và đã ra tay tương trợ bằng các cuộc tấn công mạng nhằm vào chính quyền Tunisia. Anonymous được cho là cũng đã nhúng tay can thiệp vào nội bộ Ai Cập, nơi nhóm giúp công bố những thông tin và hình ảnh bị chính quyền nước này chặn trên mạng internet.
Chiếc mặt nạ Guy Fawkes có khuôn mặt trắng bệch với nụ cười mỉm bí ẩn ngày nay là biểu tượng của nhóm Anonymous, cũng như biểu tượng của sự phản đối trên toàn cầu. Guy Fawkes là tên của thành viên một nhóm tín đồ Công giáo chống chính quyền Anh hồi thế kỷ 17.
Hoàng Uy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.