Mỹ bỏ lệnh cấm các nhà cung ứng bán hàng cho ZTE

Thu Thảo
Thu Thảo
14/07/2018 12:48 GMT+7

Bộ Thương mại Mỹ hôm 13.7 (giờ Mỹ) dỡ bỏ lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ bán hàng cho ZTE, cho phép hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ nhì Trung Quốc tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ bỏ lệnh cấm ngay sau khi ZTE nộp tiền phạt 400 triệu USD vào tài khoản ngân hàng của Mỹ. Đây là một phần của khoản thỏa thuận thanh toán mà chính quyền Mỹ và ZTE đạt được hồi tháng trước. Khoản thỏa thuận giải quyết vấn đề còn gồm 1 tỉ USD tiền phạt mà ZTE đã trả cho Kho bạc Mỹ hồi tháng 6.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho hay: “Bộ sẽ thận trọng, theo dõi các động thái của ZTE để bảo đảm rằng hãng tuân thủ toàn bộ luật pháp và luật định của Mỹ”. Ông Ross cho biết thêm các điều khoản trong thỏa thuận với ZTE là khó khăn nhất từ trước đến nay. Các điều khoản sẽ cho phép Bộ Thương mại Mỹ bảo vệ an ninh quốc gia.
Động thái với ZTE đến sau việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump de dọa áp thuế quan 10% lên thêm 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. ZTE phụ thuộc vào các thành phần, linh kiện Mỹ để sản xuất smartphone và các thiết bị mạng. Hoạt động của hãng phải tạm ngừng từ khi vướng lệnh cấm hồi tháng 4.
Trong tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên twitter rằng ông đóng cửa ZTE và để hãng mở cửa kinh doanh trở lại, dù khi đó chưa có thỏa thuận nào đạt được. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết hồi tháng trước rằng ông Trump đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm như một cử chỉ thiện ý gửi đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, ZTE bị phạt vì tuyên bố sai về việc kỷ luật 35 nhân viên vận chuyển trái phép hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ đến Iran và Triều Tiên. ZTE nhận tội và giải quyết vụ việc với Bộ Thương mại Mỹ hồi năm ngoái. Hãng đã trả 892 triệu USD tiền phạt trong năm 2017, còn năm nay thì bị phạt thêm 1,4 tỉ USD nữa. Cổ phiếu ZTE giảm 2,4% hôm 13.7, và thông tin từ phía Mỹ được đưa ra sau thời điểm thị trường châu Á đóng cửa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.