Mua phải gạch, đá giá 1.000 đồng trong ngày siêu khuyến mại trên mạng

15/09/2020 17:35 GMT+7

Các đơn hàng “siêu giảm giá” chỉ 1.000 đồng dù giá trị gốc gấp hàng chục lần tưởng chừng là món hời cho người tiêu dùng nhưng không ít nạn nhân chỉ nhận lại những cục đá, gạch, thậm chí là đồ cũ từ người bán.

Ngày 9.9, nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai chương trình siêu giảm giá nhiều mặt hàng trên toàn sàn với các mức “giá shock” khác nhau nhằm kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, vào những khung giờ được chọn sẵn có chương trình Flash Sale với một số sản phẩm được hạ chỉ còn 1.000 đồng, trở thành tâm điểm được nhiều người “săn lùng”. Các mặt hàng này thường thuộc ngành hàng gia dụng, tiêu dùng, phụ kiện điện tử như khăn, đồ lót, thảm, ốp điện thoại…
Anh Ngô Việt, chủ cửa hàng bán mô hình sưu tập có gian hàng trên một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho biết: “Các shop tham gia sale 1.000 đồng nhằm tăng đơn và tương tác cho gian hàng của mình. Nhưng để được duyệt, bản thân shop cũng như sản phẩm phải đạt được các tiêu chí do sàn đưa ra như lượng hàng đã tiêu thụ, lượt đánh giá tích cực…”.

Cục đá được đặt trong đơn hàng 1.000 đồng của khách hàng tham gia mua sắm ngày Siêu sale 9.9 trên sàn thương mại điện tử

Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, chủ gian hàng trên sàn vì một số lý do nào đó không đủ số sản phẩm đăng ký tham gia chương trình 1.000 đồng nên khi lượng đơn đặt hàng vượt quá khả năng cung cấp của kho, họ lựa chọn phương án “không có lợi cho khách hàng”.
Cụ thể, ít ngày sau thời điểm siêu sale 9.9, một số người dùng bắt đầu nhận được hàng giá trị 1.000 đồng mình đã đặt nhưng khi mở ra, thứ họ nhận được lại chỉ là những thứ vô dụng như cục đá, viên sỏi, đồ cũ hay nắm giấy vụn... Người dùng chia sẻ trên các hội nhóm công khai về những “cú lừa” khi có người đặt ốp điện thoại nhưng thứ nhận được lại là cục đá gói trong hộp bìa. 
Theo quy định của sàn, người mua có quyền khiếu nại, yêu cầu được hoàn trả hàng và người bán phải hoàn tiền, tuy nhiên do giá trị của đơn hàng quá nhỏ (chỉ 1.000 đồng mỗi đơn) nên không ít người cảm thấy không đáng phải tốn thời gian để thực hiện các bước trong quy trình khiếu nại và đợi nhiều ngày sau mới được giải quyết mà chưa biết kết quả ra sao. Cuối cùng, phương án họ chọn là nhận cục đá, những món đồ cũ rồi gửi đánh giá yếu kém tới gian hàng cùng các bình luận bóc trần hành vi làm ăn gian dối trên.

Nhiều người cùng nhận được đá, sỏi từ một gian hàng

Ảnh chụp màn hình

Một số ít trường hợp may mắn hơn thay vì nhận rác thì được shop gửi kèm phong bì chứa 1.000 đồng trong gói hàng rỗng kèm lời nhắn nhủ, xin lỗi vì không đủ hàng cung cấp cho số lượng đơn vượt quá dự tính ban đầu.
Đối với các đơn có giá trị cao hơn, có những người bán lựa chọn phương án gửi cho khách hàng món đồ tương đương với sản phẩm họ đặt và không quên kèm lời xin lỗi và giải thích “Shop không còn đủ hàng để gửi do lượng đặt hàng quá tải, cửa hàng xin phép đổi sang sản phẩm có giá trị tương đương”. Dù vậy, đa phần trường hợp thay thế hàng này không có sự trao đổi, thống nhất từ trước giữa người bán và người mua mà chỉ do nhà bán hàng đơn phương quyết định thực hiện.
Những người bán hàng có kinh nghiệm cho biết các chủ shop không thể tự ý hủy các đơn hàng bị vượt quá khả năng cung ứng do vướng chính sách phạt của sàn. Nếu hủy đơn quá nhiều, gian hàng của shop có thể bị cắt các hỗ trợ từ sàn, thậm chí tạm khóa hoạt động. Vì vậy, để tự cứu mình, họ chọn cách gửi đồ linh tinh đối với các đơn hàng giá trị thấp, thay thế đồ đối với đơn hàng có giá trị cao hơn.
“Bên cạnh đó tôi cho rằng việc tráo hàng không thông báo cho khách cũng là một mánh khóe nhằm đẩy hàng tồn, hàng sắp hết hạn sử dụng (cận date) hoặc hàng lỗi cho khách tự chịu của những cửa hàng làm ăn gian dối. Họ lợi dụng tâm lý ngại các thủ tục khiếu nại, tốn thời gian khi đơn hàng giá trị thấp để đẩy rủi ro sang cho khách hàng”, anh Việt nhận định.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee (Việt Nam) cho biết đã tiến hành kiểm tra, rà soát và xác nhận có tình trạng khách mua đơn hàng siêu sale giá 1.000 đồng nhưng khi nhận chỉ là sỏi, đá diễn ra trên sàn này trong đợi khuyến mại ngày 9.9 vừa qua. Đơn vị đã khóa tài khoản của nhà bán hàng có hành vi trên, đồng thời liên hệ các hãng vận chuyển có hợp tác ngừng giao hàng (đối với các đơn đang vận chuyển) hoặc hủy (đối với đơn chưa giao) của người bán này trên hệ thống.
“Công ty đã thông báo qua tin nhắn trên ứng dụng Shopee cho tất cả người mua có liên quan về lý do ngừng/hủy đơn hàng của họ và cảnh báo khả năng lừa đảo của nhà bán hàng này”, đại diện công ty khẳng định. Hãng cũng giải thích thêm, đối với các trường hợp người mua đã nhận hàng nhưng không khiếu nại theo quy trình trả hàng hoàn tiền, công ty vẫn liên lạc với họ để thực hiện thủ tục hoàn tiền theo đúng chính sách đã quy định.
Đối với các trường hợp nhận hàng không đúng với mô tả khác, sàn vẫn tiếp tục xác minh và có biện pháp xử lý theo chính sách. Những nhà bán hàng có dấu hiệu gian lận, nếu bị xác định hành vi vi phạm, Shopee sẽ khóa vĩnh viễn tài khoản. “Trong trường hợp cần thiết, công ty có cơ chế hợp tác và cung cấp thông tin nhanh về nhà bán hàng/hành vi vi phạm cho cơ quan công an để phối hợp xử lý những hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên môi trường mạng internet theo các vụ việc cụ thể”, đại diện hãng nói.
Theo Shopee, trong ngày 9.9, toàn sàn đã bán hơn 12 triệu mặt hàng chỉ trong một giờ mở cửa đầu tiên, khoảng 700.000 sản phẩm được bán ra trong mỗi phút ở thời gian cao điểm. Sạc, cáp là mặt hàng được nam giới quan tâm, mua sắm nhiều nhất trong khi giới nữ ưa chuộng bút kẻ mắt (báo cáo từ số liệu trên sàn Shopee).
Trong khi đó, phía Lazada - một sàn thương mại điện tử lớn khác tại Việt Nam đã bị công ty phát hành sách First News kiện vì tiếp tay tiêu thụ sách giả. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News cho biết có nhiều đầu sách của đơn vị phát hành đang bị làm giả và kinh doanh trên sàn này với mức giá rẻ hơn nhiều, gây thiệt hại về quyền lợi và uy tín cho hãng.
Nói về trách nhiệm của một sàn thương mại điện tử với người tiêu dùng, Lazada khẳng định: “Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết những vướng mắc liên quan, từ đó xây dựng một nền tảng thương mại điện tử đáng tin cậy. Với vai trò là một nền tảng thương mại điện tử, chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với các đơn vị sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng của mình”.
Không chỉ sách, nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng bị làm giả, làm nhái và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, bất chấp tuyên bố làm chặt và quản lý nghiêm vấn nạn này từ lãnh đạo các sàn. Khi tìm kiếm từ khóa “Lazada bán hàng giả” có đến 7 triệu kết quả khác nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.