Miếng dán da cảm biến có thể đọc thông tin cơ thể người

24/02/2021 08:27 GMT+7

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một miếng dán nhỏ mềm có thể dán lên da người và đọc một loạt thông tin cơ bản về cơ thể.

Cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu cho biết miếng dán đặc biệt có kích thước gần bằng một con tem bưu chính có khả năng liên tục theo dõi huyết áp, nhịp tim của người. Nó cũng có thể báo cáo có hàm lượng glucose, lactate, caffeine hoặc cồn có trong máu, thậm chí biết được người dán thiết bị đã ăn hoặc uống những gì. Nhờ các khả năng này, miếng dán mới thể hiện bước đột phá lớn trong công nghệ thiết bị đeo, phục vụ cho mục đích đo lường dữ liệu cơ thể và cải thiện sức khỏe, thể chất của người sử dụng.
“Loại thiết bị đeo này sẽ rất hữu ích cho những người có bệnh lý tiềm ẩn trong việc theo dõi sức khỏe thường xuyên. Nó cũng đóng vai trò như một công cụ tuyệt vời để theo dõi bệnh nhân từ xa, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 khi mọi người buộc phải giãn cách xã hội, giảm việc trực tiếp đến phòng khám hoặc bệnh viện”, Lu Yin, tiến sĩ nghiên cứu về kỹ thuật nano tại Đại học California tại San Diego (UC San Diego), đồng tác giả nghiên cứu, nói.
Các cảm biến hiện có được tích hợp vào các thiết bị đeo như đồng hồ Apple có thể theo dõi nhịp tim và lượng oxi trong máu của mọi người. Một số thiết bị y tế chuyên dụng hơn cho phép theo dõi cụ thể hơn các thông số sức khỏe, chẳng hạn mức đường huyết của người bị tiểu đường. Nhưng nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lu Yin khẳng định miếng dán mới có thể thực hiện tất cả những khả năng đó cùng một lúc mà không cần thực hiện các biện pháp xâm lấn, gây khó chịu lên cơ thể, ví dụ như việc đặt ống thông vào sâu bên trong động mạch của người.
Mặc dù tất cả cảm biến đo lường được kết hợp với nhau trên một miếng dán có kích thước nhỏ bé, nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao cho mỗi kết quả đọc khác nhau. Ví dụ, để cảm nhận được lactate, caffeine và cồn, miếng dán giải phóng ra một loại thuốc vào da để làm cho da đổ mồ hôi, sau đó kiểm tra mồ hôi để tìm các chất hóa học. Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, trong các thử nghiệm lên đối tượng uống rượu và tập thể dục, miếng dán thực hiện được các khả năng đo lường như các thiết bị chuyên dụng bao gồm máy đo huyết áp và máy đo hơi thở.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Biomedical Engineering. Đây là kết quả của hai nỗ lực khác nhau tại trung tâm cảm biến thiết bị đeo Center for Wearable Sensors tại UC San Diego để tạo ra miếng dán vừa có thể dễ dàng dính vào da người, vừa theo dõi, thu thập được một loạt tín hiệu khác nhau bên trong cơ thể cùng một lúc, ở mọi đặc điểm từ thay đổi hóa học đến địa sinh lý.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ đang nỗ lực để bổ sung nhiều cảm biến hơn cho miếng dán, bao gồm cả khả năng phát hiện một số bệnh nhất định. Họ cũng hy vọng sẽ làm cho miếng dán cảm biến nhỏ hơn, cho phép ngắt kết nối khỏi nguồn điện và màn hình hiển thị vốn cần thiết để cho phép nó chạy, với mục địch tạo ra “một hệ thống hoàn chỉnh có thể đeo được hoàn toàn” trên cơ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.