MediaTek đặt cược vào 5G vì các đối tác Trung Quốc tự làm chip riêng

27/08/2019 14:48 GMT+7

Công ty bán dẫn MediaTek đang đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tìm cơ hội cạnh tranh tốt hơn, khi mà các công ty smartphone của Trung Quốc đều đang tìm cách tự sản xuất chip.

Theo TechinAsia, Joe Chen, Chủ tịch MediaTek chia sẻ trong một bài phỏng vấn tại Thâm Quyến, Trung Quốc rằng, “các thương hiệu smartphone đang tìm cách đầu tư vào khâu tự sản xuất chip của riêng họ, buộc MediaTek phải tìm cách tạo ra lợi thế nhờ chủ động nắm bắt công nghệ trong giai đoạn chuyển đổi này”.
MediaTek là một trong những đối thủ lớn nhất của Qualcomm - nhà sản xuất chip khổng lồ có trụ sở tại Mỹ. Theo đó, MediaTek sản xuất đủ chip, từ các chip dùng cho điện thoại cho đến TV, trong đó riêng mảng chip điện thoại đã mang lại cho hãng khoảng 1/3 tổng doanh thu - trong số đó nguồn thu phần lớn đến từ các nhà sản xuất smartphone Android đến từ Trung Quốc.
Nhưng rồi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã xoay chuyển tình thế, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tự cung tự cấp nhiều hơn, kể cả ngành bán dẫn nhằm tránh phụ thuộc vào Mỹ.
Theo một số báo cáo gần đây, ngay cả Oppo - hãng sản xuất điện thoại lớn thứ hai ở Trung Quốc và đang dùng cả chip Qualcomm lẫn MediaTek - được cho là đã bắt đầu phát triển chip của riêng mình cho smartphone. Hãng điện thoại khác là Xiaomi, nhà sản xuất smartphone lớn thứ tư của nước này cũng đã tách một phần của bộ phận chipset Pinecone có trụ sở tại Trung Quốc thành một công ty mới chuyên tập trung vào trí tuệ nhân tạo - AI dự trên Internet-of-Thing (AioT). Công ty này cho biết, họ chưa từng từ bỏ việc phát triển chip di động, dù trước đó chỉ mới hé lộ mẫu chip duy nhất là Surge S1 kể từ khi mảng chip của Xiaomi được thành lập vào năm 2014.
Đây được coi là những bước đi nối gót Huawei - nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc và đã chủ yếu dùng chip Kirin do hãng tự sản xuất cho các smartphone của họ. Dù cả Qualcomm và MediaTek vẫn cung cấp chipset cho Huawei, nhưng hầu hết chúng chỉ được dùng (rất hạn chế) trong một số mẫu máy giá rẻ ít phổ biến, trong tổng số khoảng 200 triệu máy mà Huawei xuất xưởng năm ngoái. Nhưng Huawei có thế mạnh về công nghệ hơn các hãng nội địa còn lại, nhờ họ phần nào chủ động đi trước một bước trong lĩnh vực sản xuất chip, AI và cả 5G; dù điểm yếu của họ là đang trở thành “con tin” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Đặt cược vào chip 5G trên smartphone

Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa đó, MediaTek đang tìm cách phát triển thế mạnh khác của họ chính là 5G, đây được coi là cơ hội để họ chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc cao cấp và dần xóa bỏ nhận diện “chip cấp thấp và giá rẻ” mà họ từng tự định vị cho mình, trước khi có thể cạnh tranh sòng phẳng với Qualcomm. Đặc biệt lợi thế cung cấp giải pháp 5G với mức giá phải chăng có thể sẽ là ván bài “tất tay” của MediaTek khi mà mảng 5G của Huawei đang bị vướng vào nhiều hạn chế về thương mại và Qualcomm thì chưa bao giờ có mức giá “hợp lý”.
Yenchi Lee, Giám đốc tiếp thị sản phẩm không dây cho doanh nghiệp của MediaTek cho rằng, “chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ thị trường cao cấp và đang nỗ lực phát triển các công nghệ cần thiết để duy trì cạnh tranh ở phân khúc này. 5G là một cơ hội thích hợp để chúng tôi mở rộng sang thị trường cao cấp”. Theo các nhà điều hành, MediaTek dự kiến tung ra chip mạng thế hệ tiếp theo (5G) để thúc đẩy các đơn hàng smartphone 5G lớn của hãng trong quý đầu tiên của năm sau, qua đó hãng muốn giúp các nhà sản xuất có thể tung ra các smartphone 5G có mức giá cạnh tranh (dưới 283 USD) trong nửa cuối năm 2020.
David Ku, Phó chủ tịch điều hành của MediaTek cho rằng, ông không nghĩ việc một số công ty Trung Quốc tự sản xuất chip là xấu, vì các thương hiệu lớn như Samsung hay Sony cũng đã sử dụng các chip độc quyền cho một số sản phẩm của họ. Vấn đề là họ có đủ năng lực để tự sản xuất các vi xử lý smartphone tích hợp 5G có mức giá cạnh tranh và quy mô lớn như MediaTek hay không, đó sẽ là cơ hội cho nhà sản xuất chip đến từ Đài Loan này.
MediaTek hiện là công ty bán dẫn và sản xuất chip lớn thứ tư thế giới về mặt doanh thu, chỉ đứng sau Broadcomm, Qualcomm và Nvidia của Mỹ. Tuy nhiên, công ty đã phải chịu ảnh hưởng do nhu cầu tiêu thụ smartphone giảm nên đã sụt giảm khoảng 0,7% doanh thu trong năm 2018, nhưng rõ ràng đó không phải là một con số quá lớn và triển vọng để hãng đặt cược vào chip 5G trên smartphone là rất sáng sủa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.