Máy bay lớn nhất thế giới cất cánh vào năm 2016

06/08/2015 13:08 GMT+7

(TNO) Stratolaunch, chiếc máy bay lớn nhất thế giới do công ty Stratolaunch System (Mỹ) sản xuất, đang trong quá trình lắp ráp và dự kiến sẽ được cho bay thử nghiệm trong năm 2016.

(TNO) Stratolaunch, chiếc máy bay lớn nhất thế giới do công ty Stratolaunch System (Mỹ) sản xuất, đang trong quá trình lắp ráp và dự kiến sẽ được cho bay thử nghiệm trong năm 2016.

Bản dựng mẫu máy bay Stratolaunch trong nhà xưởng - Ảnh chụp màn hình YouTube

Paul Allen, đồng sáng lập công ty phần mềm Microsoft (Mỹ) đã bắt đầu lên kế hoạch sản xuất một chiếc máy bay lớn nhất thế giới từ năm 2011, cùng với một số đối tác khác, trong đó có cả tỉ phú nổi tiếng Elon Musk, CEO của công ty xe hơi chạy năng lượng điện Tesla Motors và công ty hàng không vũ trụ SpaceX (Mỹ), trang công nghệ Engadget đưa tin.

Được biết, chiếc máy bay mang tên Stratolaunch đang trong quá trình lắp ráp tại Cảng Hàng không Vũ trụ Mojave thuộc bang California (Mỹ), và dự kiến sẽ bắt đầu bay thử nghiệm trong năm 2016. Việc tạo ra chiếc máy bay lớn nhất thế giới này không phải để được đưa vào sách kỷ lục Guinness Thế giới, mục tiêu quan trọng của Allen là dùng máy bay này để đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Theo đó, chiếc máy bay này sẽ có khả năng cất cánh trong cả điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tên lửa trên máy bay mang theo vệ tinh sẽ được phóng ra từ đây, tiết kiệm được một khoảng nhiên liệu so với việc phóng trực tiếp tên lửa từ mặt đất.

Đương nhiên chiếc máy bay này sẽ được sử dụng lại nhiều lần để thực hiện những lần phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo, và các kỹ sư có thể chọn vị trí thích hợp để phóng tên lửa một cách chính xác. Điều này đảm bảo cho các tàu vũ trụ dễ dàng đưa vệ tinh vào quỹ đạo đã được vạch sẵn của chúng.

Một công ty khác có tên Scaled Composites (Mỹ), được thành lập bởi Burt Rutan, vốn là thành viên trong hội đồng thành lập Stratolaunch System, đang chịu trách nhiệm đóng chiếc máy bay này, bằng cách sử dụng 2 chiếc Boeing 747.

Khi hoàn thành, chiếc máy bay này sẽ có độ sải cánh tới 117 m, hơn 37 m so với chiếc máy bay Airbus A380.

Stratolaunch trên đường băng, độ sải cánh sẽ tương đương 117 m - Ảnh chụp màn hình YouTube

Được biết, chiếc máy bay này cần đường băng dài khoảng 3,6 km để cất cánh, trong khi đó đa số các máy bay thương mại chỉ cần từ 2,1 km đến 2,4 km. Và các đường băng chỉ được thiết kế như thế chứ không dành cho những chiếc máy bay khổng lồ như Stratolaunch.

Tuy nhiên, Allen và đội ngũ của ông hy vọng máy bay của mình sẽ giúp việc phóng vệ tinh trở nên phổ biến hơn và giúp ngành công nghiệp vũ trụ tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.