Lượng đơn hàng thương mại điện tử tăng vọt trong dịch Covid-19

Thành Luân
Thành Luân
04/05/2021 14:00 GMT+7

Zebra Technologies Corporation vừa công bố kết quả nghiên cứu thường niên về mua sắm toàn cầu lần thứ 13. Đây là công cụ theo dõi thị trường trong ngành bán lẻ phân tích hành vi thực tế của người mua hàng.

Nghiên cứu hằng năm của Zebra cho thấy người mua hàng mong muốn có trải nghiệm mua sắm liền mạch giữa cửa hàng trực tiếp và cửa hàng trực tuyến; có xu hướng đặt hàng trực tuyến khi gặp mặt hàng muốn mua, dẫn đến lượng đơn hàng thương mại điện tử tăng vọt với gần 60% người mua hàng trực tuyến đã đặt hàng trong 3 tháng vừa qua. 57% nhân viên bán lẻ cảm thấy gặp phải sức ép đáng kể vì hơn 1/5 số người mua hàng trả lại một mặt hàng được mua trực tuyến.
Tình trạng hết hàng vẫn tiếp tục là một thách thức - 41% người mua hàng cho rằng đây là lý do hàng đầu để họ ra khỏi cửa hàng mà không mua hàng. Các nguyên nhân tiếp theo là thời gian xếp hàng chờ thanh toán lâu (32%) và không tìm được hàng (31%), cả hai chỉ số này đều có sự gia tăng rõ rệt so với năm trước.
Những người ra quyết định trong ngành bán lẻ và nhân viên bán hàng đã nhận thấy nhu cầu về sự tiện lợi và tính hiệu quả tăng lên đáng kể do đại dịch đã khiến người mua hàng quan tâm và sử dụng nhiều hơn các giải pháp đặt hàng di động và thanh toán thông minh.
Đặt hàng qua thiết bị di động - từ điện thoại thông minh và máy tính bảng - đã tăng mạnh và là công cụ hữu ích giúp đảm bảo giãn cách xã hội và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương. 72% người mua hàng đã đặt hàng di động và 82% trong số đó có nhiều khả năng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ này.
Khoảng một nửa (47%) người mua hàng tham gia khảo sát cho biết từng tự thanh toán trong 6 tháng qua và hơn 6 trong 10 (63%) người mua hàng đồng ý các giải pháp tự thanh toán có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Bà Tracy Yeo, Giám đốc Zebra Technologies tại thị trường Việt Nam, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong năm 2020, các vấn đề như hết hàng, sản phẩm thiếu đa dạng, chi phí và thời gian giao hàng trực tuyến và bị trả lại hàng đã góp phần làm giảm đáng kể mức độ hài lòng khi mua sắm tại cửa hàng và trực tuyến của người mua hàng. Do vậy, để cung cấp trải nghiệm đa kênh liền mạch và nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng, các nhà bán lẻ Việt Nam cần phải đầu tư vào các giải pháp phân tích, đặt hàng di động, thanh toán thông minh và các giải pháp công nghệ bán lẻ khác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.