Lời cảnh báo từ màn 'lật kèo' của ông Trump với Tim Cook

18/01/2020 17:50 GMT+7

CEO Tim Cook của Apple đã dành nhiều năm để xây dựng mối quan hệ thiện chí với Nhà Trắng, trong đó có các cuộc gặp gỡ và ăn tối với Tổng thống Donald Trump, mời ông ghé thăm nhà máy ở Texas...

Nhưng điều đó không có nghĩa là bây giờ ông Cook miễn nhiễm với mọi quyền hạn của Tổng thống, giới hạn sự ủng hộ của ông Trump rốt cuộc cũng đã thể hiện một cách khá đường đột.
Tuần này, ông Trump đã tự bơm thêm dầu vào lửa trong cuộc chiến giữa Bộ Tư pháp Mỹ và Apple, khi công ty từ chối mọi yêu cầu từ các cơ quan thực thi pháp luật nhằm phá vỡ các giải pháp mã hóa trên chiếc iPhone của tay súng trong vụ việc khiến ba người chết tại một căn cứ hải quân ở Pensacola, Florida. Điều này đã khiến ông Trump nổi giận và ông đã trực tiếp “thọc gậy” vào Apple qua một tweet đăng tải vào hôm 14.1 qua.
Ông chia sẻ trên Twitter, "chúng tôi đang dồn sức giúp Apple về thương mại và rất nhiều thứ khác, đổi lại họ từ chối mở khóa chiếc điện thoại (iPhone) của kẻ giết người, buôn bán ma túy và nhiều hành vi bạo lực khác”.
Theo CNN, lời khiển trách bất ngờ từ Tổng thống Trump cũng là một tín hiệu cảnh báo không chỉ với CEO của Apple mà còn với bất cứ nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào còn muốn tìm cách tranh thủ sự ủng hộ và mối quan hệ có lợi với ông Trump. Tim Cook không chỉ là một trong những CEO có ảnh hưởng lớn nhất thế giới mà còn được cho là đã rất thành công trong việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với Tổng thống Donald Trump. Chính ông Trump từng không tiếc lời ca ngợi Tim Cook là một “CEO tuyệt vời vì ông đã gọi cho tôi, còn những CEO khác thì không”.
Nhưng sự rạn nứt trong tuần này đã khiến nhiều người phải suy nghĩ lại, chúng ta thấy rằng ngay cả Cook và công ty Apple của ông cũng có thể bị ảnh hưởng bởi quan điểm trái chiều của ông Trump về các mối quan hệ, Tổng thống Mỹ dễ dàng phá vỡ mối quan hệ để tìm kiếm những thứ có nhiều giá trị hơn. Một nhà vận động hành lang trong ngành công nghệ phân tích chiến thuật của Tổng thống Trump và nhận ra rằng ông ấy "không quan trọng những gì bạn đã làm trong quá khứ. Thứ ông ấy muốn là bạn như thế nào trong ngày hôm nay mà thôi”.
Khi ông Trump đi thăm nhà máy Austin của Apple vào tháng 11 năm ngoái, công ty đã phải đối mặt với nguy cơ về thuế quan mới đối với iPhone, MacBook và các thiết bị khác được nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng rồi ông Trump nói, vì các khoản đầu tư của công ty Tim Cook vào Mỹ, chính quyền sẽ trì hoãn đưa các sản phẩm của Apple vào cuộc chiến thương mại. Tổng thống Mỹ khi đó lập luận, "Vì khi Apple xây dựng ở Mỹ, nên công ty sẽ không phải lo lắng về thuế quan”, dù ai cũng biết thực tế không phải Apple “sản xuất ở Mỹ” như hai nhà lãnh đạo chia sẻ. Lúc đó, CEO Cook đã sớm được ca ngợi là một thiên tài chính trị.
Tuy nhiên, sau phát ngôn vừa rồi của ông Trump, có vẻ như những gì mà Apple đã đổ công sức để xây dựng với Tổng thống Trump đã bị lãng quên và đổ xuống sông xuống biển, khi mà ông Trump dường như kêu gọi Apple thanh toán các khoản “miễn thuế” (ám chỉ sự hỗ trợ của chính quyền) bằng cách giúp Bộ Tư pháp Mỹ xử lý chiếc iPhone bị mã hóa trong vụ xả súng. Có vẻ như các thỏa thuận đã bị gác lại và đổi chiều.
Không rõ liệu tweet của ông Trump sẽ có tác động lâu dài với Apple hay không, nhưng trước mắt nó ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của giới kinh doanh ở Phố Wall. Cổ phiếu của Apple lập tức đã sụt giảm ngay sau khi tweet được chia sẻ, trước khi kịp phục hồi vào cuối ngày.
Bất chấp sự phản đối của Bộ Tư pháp Mỹ, Apple đã cương quyết từ chối tạo ra các “cửa hậu” riêng cho cơ quan pháp luật vì cho rằng nó sẽ phá vỡ quy tắc mã hóa và bảo mật của hãng, bởi một khi tồn tại cửa hậu thì giới tội phạm cũng sẽ tận dụng nó và qua đó đe dọa người dùng iPhone. Sự căng thẳng đó càng được đẩy lên cao sau vụ việc xả súng ở một căn cứ hải quân Mỹ tại Florida và Apple không chịu hợp tác để phá vỡ bảo mật nhằm lấy thông tin lưu trữ nội bộ trên 2 chiếc iPhone của nghi phạm, thay vào đó công ty chỉ cung cấp dữ liệu bản sao có sẵn trên iCloud.
Sau tweet của ông Trump, có vẻ như Apple chỉ còn có thể dựa vào bản thân và các mối quan hệ trong ngành công nghệ để tự bảo vệ mình trước áp lực từ Nhà Trắng, chứ họ không còn miễn nhiễm với sự hậu thuẫn của chính quyền nữa, những người từng được cho là sẵn sàng chống lưng cho họ trong quá khứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.