LG G5 mở ra kỷ nguyên mới cho smartphone lắp ghép

06/04/2016 15:31 GMT+7

Mặc dù không phải là công ty đầu tiên đưa ra ý tưởng về smartphone dạng mô-đun, nhưng LG lại đi tiên phong biến giấc mơ này thành hiện thực, mở ra một hướng mới cho smartphone.

Mặc dù không phải là công ty đầu tiên đưa ra ý tưởng về smartphone dạng mô-đun, nhưng LG lại đi tiên phong biến giấc mơ này thành hiện thực, mở ra một hướng mới cho smartphone.

Dễ dàng thay thế thành phần

Ý tưởng về smartphone mô-đun đầu tiên được đưa ra bởi Google với Project Ara. Với smartphone mô-đun, người dùng có thể thay thế các thành phần có trên máy như camera, chip xử lý, bộ nhớ trong… theo ý muốn, đặc biệt hữu dụng khi muốn nâng cấp cấu hình.

LG G5 chưa đạt đến đẳng cấp của Project Ara khi chỉ cho thay thế thành phần mở rộng như Hi-Fi Plus hay CAM Plus, nhưng với việc tung một sản phẩm dạng mô-đun thương mại ra thị trường sẽ là phát súng đầu tiên của LG cho thấy sự kỳ vọng lớn dành cho kiểu thiết kế này.
Những smartphone như LG G5 cho phép tháo rời thành phần nhanh chóng chỉ với vài thao tác - Ảnh: AFP
Một khi smartphone dạng mô-đun thực sự đi vào cuộc sống với đầy đủ khả năng của nó, bạn sẽ thỏa sức lựa chọn các thành phần để tối ưu thiết bị của mình theo đúng nhu cầu. Điều này sẽ giúp bạn không còn phải gò bó trong một thiết kế cấu hình và tính năng mà các nhà sản xuất đưa ra.

Trước G5 đã có những thiết bị dạng tùy biến, nhưng hầu hết nó chỉ dừng lại ở việc thay thế thành phần vỏ theo ý muốn, chẳng hạn chương trình Moto Maker của Motorola. Các nhà sản xuất cho rằng, tùy biến phần cứng smartphone có thể làm giảm tuổi thọ của sản phẩm, trong khi các lựa chọn hiện có đủ để đáp ứng sự đa dạng của nhu cầu từ người dùng.

Sẽ giúp cho các nhà sản xuất mở ra ý tưởng sáng tạo

Ở thời điểm hiện tại, smartphone dạng mô-đun đầu tiên trên thế giới là LG G5 chỉ có hai thành phần mô-đun bổ sung được tạo ra, đó là CAM Plus (giúp tăng cường khả năng điều khiển máy ảnh) và Hi-Fi Plus (mang đến trải nghiệm âm thanh DAC từ Bang & Olufsen), có thể là ít so với kỳ vọng của mọi người.

Thế nhưng, điều này lại là một cơ hội rất lớn cho các nhà sản xuất sáng tạo ra các thành phần mở rộng khác nếu họ muốn đưa vào cho LG G5 nhiều khả năng hơn nữa. Đó cũng chính là mục tiêu mà LG hướng đến thông qua G5.
CAM Plus là một trong hai thành phần mô-đun đầu tiên mà LG cung cấp cho G5 - Ảnh: AFP
Thiết kế dạng mô-đun của LG với G5 có thể giải quyết được các nhược điểm mà smartphone vỏ nhôm hiện nay gặp phải, đó là pin tháo rời và khe cắm thẻ microSD, trong khi vẫn đảm bảo sức hấp dẫn trong thiết kế của máy.

Để có thể tạo ra một thành phần phụ dành cho G5, các đối tác sẽ phải thông qua sự cấp phép từ phía LG. Quá trình này có thể hơi phức tạo hơn đôi chút, nhưng ít nhiều nó sẽ đảm bảo khả năng làm việc tốt trên G5 cũng như được LG xem xét kỹ lưỡng về lợi ích mà các thành phần phụ mang lại cho G5, như những gì mà CAM Plus và Hi-Fi Plus đã mang lại.

Giảm nguy cơ rác thải điện tử, tiết kiệm chi phí

Điểm mấu chốt trong smartphone dạng mô-đun đó chính là bạn có thể thay thế dễ dàng các thành phần mỗi khi muốn nâng cấp smartphone mà không cần phải loại bỏ hết những thành phần đang sử dụng được.

Bạn có thể nghĩ rằng một chiếc smartphone của mình còn xài tốt, nhưng chỉ thiếu điểm gì đó như camera chưa thực sự hoàn hảo, hay chip xử lý có vẻ đã đến lúc cần được thay thế.
Lượng rác thải điện tử sẽ giảm đáng kể khi smartphone dạng mô-đun phổ biến hơn - Ảnh: Reuters
Như vậy, lượng rác thải điện tử sinh ra từ những chiếc smartphone cũ sẽ giảm đi đáng kể, bảo vệ môi trường sống của chúng ta, nhất là khi thống kê cho thấy mỗi người dùng smartphone thường thay mới sản phẩm của mình trong khoảng thời gian 1-2 năm/lần.

Không chỉ vậy, việc chỉ thay thế các thành phần mô-đun cần thiết cũng sẽ giúp cho bạn giảm chi phí rất nhiều so với mua một smartphone mới. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng để ý tưởng về một smartphone dạng mô-đun được đưa ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.