Làm thế nào để đối phó máy bay không người lái 'nguy hiểm'?

02/01/2019 09:41 GMT+7

Nguy cơ máy bay không người lái (drone) va chạm với một chiếc máy bay chở hành khách trong quá trình cất, hạ cánh có thể làm rơi chiếc máy bay nặng hàng trăm tấn là có thật.

Drone quân sự của tương lai

Giới quân sự Mỹ đi khá xa khi ứng dụng công nghệ chống radar vào sản xuất loại drone thế hệ mới. Nó có hình dạng mang nhiều nét tương đồng với máy bay ném bom tàng hình B-2 với lớp vỏ ngoài bằng các loại vật liệu hấp thu và tán xạ sóng vô tuyến để chống sự dò quét của radar phòng không đối phương.
Các cường quốc quân sự đang nghiên cứu giải pháp phòng thủ không phận và tấn công đối phương từ xa bằng "drone bầy" (drone swarm).
Trong phòng thủ, thì dùng số lượng rất lớn các drone nhỏ có trang bị súng hay chất nổ để tấn công và phá hủy máy bay (có người lái) của đối phương xâm nhập không phận mình.
Trong trường hợp tấn công vào đất địch, khi lực lượng phòng không đối phương đưa máy bay chiến đấu lên ngăn chặn, bầy drone sẽ "bu" vào để hạ máy bay địch và đồng thời lao xuống tấn công các ổ pháo, các giàn tên lửa và radar phòng không mặt đất. Sau khi hệ thống phòng không của đối phương bị vô hiệu hóa, các máy bay chiến đấu, ném bom (có người lái) sẽ thoải mái tiến vào tấn công các mục tiêu quan trọng mà không phải lo âu gì nữa.
Đây là dạng drone "tự sát" để tiêu diệt kẻ thù vì chúng sẽ phát nổ khi va chạm vào máy bay, vũ khí khí tài đối phương (hoặc phát nổ khi mục tiêu lọt vào bán kính có thể gây sát thương bằng sức nổ). Các drone loại này được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI - Artifical Intelligent), chúng kết nối trao đổi thông tin với nhau để chia sẻ mục tiêu và phối hợp tấn công, như một bầy ong cùng tấn công kẻ xâm phạm tổ của chúng vậy.
Đây là giải pháp rất được giới quân sự đánh giá cao, vì nó đơn giản và rẻ tiền, lại tiết kiệm được sinh mạng quý báu của của các phi công lái máy bay chiến đấu, oanh tạc.
Ngoài ra, giới quân sự Mỹ đang nghiên cứu chế tạo các loại drone "tàng hình" kiểu tiêm kích tấn công và kiểu ném bom có thể thực hiện những phi vụ oanh kích có độ nguy hiểm cao vì mục tiêu nằm sâu trong đất địch.
Hãng Northrop Grumman (Mỹ) đã đưa thử nghiệm mẫu tiêm kích tàng hình X-47B cho Hải quân Mỹ. Mẫu drone này đã thực hiện thành công một số chuyến cất và hạ cánh trên tàu sân bay trong thời gian vừa qua. Còn hãng Boeing (Mỹ) thì đang nghiên cứu chế tạo một loại drone loại lớn dùng chở nhiên liệu để tiếp dầu trên không cho các máy bay quân sự có người lái.

Các nước quản lý việc sử dụng drone dân sự thế nào?

Sự ra đời và phổ biến của drone dù mang lại những lợi ích lớn lao cho con người, nhưng nó cũng cũng là con dao hai lưỡi, đã làm dấy lên nhiều quan ngại về mặt an toàn hành không, sự riêng tư và việc sử dụng drone vào những mục đích bị cấm và nguy hiểm cho xã hội như:
- Các thợ săn ảnh paparazzi dùng quay phim chụp ảnh lén các nhân vật nổi tiếng.
- Các dân chơi drone nghiệp dư điều khiển drone bay vào phạm vi các sân bay gây rối loạn hoạt động bay, bay đến quay phim chụp ảnh các đám cháy, tai nạn giao thông làm cản trở hoạt động của lực lượng cứu hộ.
- Bọn tội phạm dùng drone để buôn lậu ma túy, theo dõi mục tiêu chúng muốn tấn công, cũng như theo dõi sự di chuyển của lực lượng cảnh sát, an ninh.
- Và nghiêm trọng nhất là bọn khủng bố dùng drone để đánh bom từ xa.
Có vẻ như sự phát triển công nghệ luôn đi trước các giải pháp quản lý để tránh việc lạm dụng làm rối loạn an ninh trật tự xã hội. Các cơ quan quản lý hàng không phương Tây đã có phần chậm trễ trong ban hành các luật và quy định để quản lý việc sử dụng drone. Mãi đến tháng 7.2018, Anh mới có luật cấm các loại drone dân dụng được bay ở độ cao quá 120 m và phải cách ranh giới sân bay ít nhất là 1 km. Những kẻ vi phạm quy định này sẽ bị phạt một khoản tiền rất lớn và có thể bị ngồi tù đến 5 năm.
Luật này cũng bắt buộc những drone có trọng lượng từ 250 g trở lên phải đăng ký với Cơ quan Quản lý Hàng không Dân dụng Anh Quốc (CAA). Đồng thời, người sử dụng drone cũng phải trải qua một cuộc kiểm tra về an toàn điều khiển.
Ở Mỹ, Cơ quan Quản lý Hàng không Mỹ (FAA) cũng ban hành bộ luật về sử dụng drone vào mục đích giải trí, công việc và thương mại. Có thể kể ra một vài quy định như sau đối với drone dân dụng dùng vào giải trí và làm việc:
- Người sử dụng drone phải từ 16 tuổi trở lên, biết chữ, có sức khỏe thể chất và tâm thần bình thường.
- Phải đăng ký drone với FAA.
- Drone không có trọng lượng quá 25 kg, trừ trường hợp có giấy phép đặc biệt của FAA.
- Drone không được bay quá tầm quan sát được của người điều khiển.
- Phải tuân thủ các quy định về an toàn công cộng.
- Cấm bay gần các loại máy bay khác.
- Không được bay vượt quá cao độ 120 m và vận tốc không vượt quá 160 km/giờ.
- Nếu drone bay trong phạm vi bán kính 8 km của một sân bay, phải báo cho Ban Quản lý và Đài Điều khiển không lưu của sân bay đó.
- Cấm bay gần các địa điểm mà lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang làm việc.
- Không được cho drone bay trên đầu người khác.
- Không vận hành drone khi đang lái xe.
- Phải qua một kỳ kiểm tra về kiến thức hàng không.
- Nếu sử dụng drone vào mục đích công việc, phải học một khóa an toàn về điều khiển.
- Phải được sự chuẩn thuận của Cơ quan An ninh Giao thông Quốc gia (TSA) sau khi đã kiểm tra nhân thân người sử dụng drone.

Đối phó với các drone gây nguy hiểm bằng cách nào?

Các biện pháp đối phó hiện nay bao gồm:
- Các sân bay lớn ở Mỹ hiện đang áp dụng biện pháp gây nhiễu sóng điều khiển của drone "nguy hiểm". Biện pháp này có phần hạn chế vì nhiều loại drone dùng sóng có tần số tương tự các mạng Wi-Fi xung quanh đó;
- Dò tìm vị trí của nguồn phát sóng (người điều khiển drone) bằng phương pháp dò sóng trắc giác (tương tự như dò tìm vị trí của người sử dụng điện thoại di động thông qua vị trí của 3 trạm thu phát sóng gần nhất). Đây là biện pháp có tính răn đe cao nhất vì người điều khiển trái phép có thể bị cảnh sát bắt giữ ngay tại hiện trường "gây án";
- Dùng drone lớn săn bắt drone "nguy hiểm" bằng cách tung lưới, đâm va trực tiếp để làm rơi, drone "săn mồi" có thể được trang bị laser để phá hủy hệ thống thu nhận tín hiệu của drone mục tiêu.
- Người Nhật thì dùng một nhóm drone "cảnh sát" tuần tra quanh các vị trí quan trọng và săn bắt các drone xâm nhập trái phép;
- Hà Lan đã thử nghiệm biện pháp dùng các loại chim săn mồi như ưng, ó để săn bắt drone vào năm 2016, nhưng đã bỏ dỡ vì đôi khi lũ chim không chịu thi hành nhiệm vụ, và chi phí quá cao.
- Giới quân sự thì dùng biện pháp mạnh tay hơn: dùng tia laser phá hủy hệ thống thu nhận tín hiệu vô tuyến của drone đối phương, hoặc phá hủy hoàn toàn drone đó bằng tia laser có cường độ cao (chỉ có hiệu lực trong phạm vi 2 km trở lại). Hoặc dùng xạ thủ bắn tỉa bắn hạ drone.
Đúng như câu nói “đạo cao một sào, ma cao một trượng”, thời nào cũng vậy, những kẻ phá rối và bọn tội phạm thường sáng tạo ra những thủ đoạn đi trước pháp luật một bước, đây luôn là điều làm giới chức an ninh đau đầu tìm kế sách đối phó, sử dụng drone vào mục đích xấu cũng không là ngoại lệ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.