Kỳ diệu ADN có thể lưu dữ liệu số trong 2.000 năm

20/08/2015 10:40 GMT+7

(TNO) Các nhà khoa học Thụy Sĩ đã khám phá ra tiềm năng của ADN có thể lưu trữ khối dữ liệu số khổng lồ trong vòng 2.000 năm mà vẫn nguyên vẹn.

(TNO) Các nhà khoa học Thụy Sĩ đã khám phá ra tiềm năng của ADN có thể lưu trữ khối dữ liệu số khổng lồ trong vòng 2.000 năm mà vẫn nguyên vẹn, trang tin khoa học Popular Science (Mỹ) đưa tin.

Ảnh minh họa ADN: Reuters

ADN của con người đang nắm giữ lượng thông tin khổng lồ trong khoảng không gian vô cùng nhỏ bé. Các nhà khoa học mới đây đã cho ADN là phương pháp để lưu trữ khối lượng lớn dữ liệu số mà hiện nay con người vẫn dùng ổ cứng để lưu lại.

Ngoài ra, ADN còn có tính năng ưu việt đó là có thể tồn tại hơn 2.000 năm mà không bị tan vỡ, dựa trên những thí nghiệm khoa học vừa được trình bày tại hội nghị thường niên của Hội Hóa học Mỹ, theo báo cáo của trang tin khoa học Hacked (Na Uy).

Ổ cứng của con người chế tạo ra có vẻ đã là thiết bị lưu trữ khá ổn định. Tuy nhiên, chúng vẫn có khả năng bị hư hỏng chỉ sau vài thập kỷ. Khi con người đang nỗ lực lưu lại lịch sử nhân loại thì rất cần đến thiết bị hay cách thức lưu trữ thông tin sao cho thật an toàn.

Đầu năm 2015, Vint Cerf, một trong những nhà khoa học sáng tạo ra internet đã lên tiếng cảnh báo rằng: “Chúng ta đang ném tất cả dữ liệu của nhân loại vào một thứ có thể trở thành lỗ đen thông tin”. Điều này có nghĩa nếu lệ thuộc vào ổ cứng để lưu trữ dữ liệu, một khi nó bị tổn hại thì không khác gì hố đen vũ trụ, có thể nuốt chửng toàn bộ thông tin của con người.

Nhóm kỹ sư Thụy Sĩ đã hy vọng có thể sử dụng ADN như một phương tiện để lưu trữ thông tin. Ngày nay, ổ cứng của chúng ta đã có thể chứa đến 5 TB (terabyte) dữ liệu, và mã hóa tất cả thành ngôn ngữ nhị phân (0 và 1). Nhưng nếu cơ sở dữ liệu được lưu trong ADN gồm 4 thành phần của nuclêôtit (A,T, X, G), trên lý thuyết, chúng có thể lưu trữ đến 300.000 TB dữ liệu số.

Các nhà nghiên cứu đã thử mã hóa một đoạn ADN chứa 83 KB (kilobyte) dữ liệu và lưu trữ ADN này trong hạt nano để bảo vệ nó. Sau đó họ đem nung ở 71 độ C trong vòng một tuần lễ. Thử nghiệm này tương đương với bối cảnh ADN được lưu ở 10 độ C trong 2.000 năm.

Cuối cùng, các nhà khoa học lại giải mã đoạn ADN đó và thu được tất cả dữ liệu đều còn nguyên vẹn, không có lỗi. Điều này đồng nghĩa với việc ADN đã làm rất tốt nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu của nó.

Tuy nhiên, tất cả tuyên bố trên không có nghĩa là thế hệ máy tính tiếp theo sẽ dùng ADN thay thế cho ổ cứng để lưu trữ. Công nghệ mã hóa ADN vẫn còn rất đắt, thêm vào đó, sau khi lưu trữ xong lại không có công cụ để tìm kiếm và tra cứu dữ liệu. Nhưng các nhà khoa học hứa hẹn sẽ sớm đưa ADN vào ứng dụng trong công nghệ số, theo Popular Science.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.