Jeff Bezos chấp nhận rủi ro nào để bay cùng tàu New Shepard?

12/06/2021 20:03 GMT+7

Ở tuổi 57, tỉ phú Jeff Bezos sẵn sàng mạo hiểm tính mạng cho chuyến bay vào không gian kéo dài 11 phút.

Dự kiến ngày 20.7, Jeff Bezos cùng em trai ông sẽ tham gia chuyến bay phi hành đoàn của tàu vũ trụ New Shepard cùng với một du khách may mắn chiến thắng buổi đấu giá trực tuyến. Thế nhưng, việc bay lên vũ trụ dù chỉ trong vài phút ngắn ngủi cũng không phải là chuyện đơn giản và chắc chắn sẽ có những rủi ro nhất định.
Trang CNN giải thích một số rủi ro mà tỉ phú Jeff Bezos và phi hành đoàn phải đương đầu trong chuyến bay lịch sử sắp tới.

Chuyến bay diễn ra như thế nào?

Khi nói về du hành vũ trụ, đa số đều tưởng tượng một phi hành gia sẽ điều khiển tàu bay vòng quanh Trái đất, trôi nổi trong không gian ít nhất vài ngày.
Nhưng đây không phải điều anh em nhà Bezos hướng đến. Chuyến bay của tàu New Shepard thuộc loại dưới quỹ đạo, diễn ra trong vòng 11 phút. Họ chỉ bay đến độ cao khoảng 100 km rồi quay về Trái đất ngay lập tức. 

Minh họa quỹ đạo bay của tàu New Shepard

Ảnh: Blue Origin

Về lý thuyết, tàu New Shepard phải đạt được vận tốc khoảng 3.700 km/giờ và lao thẳng lên trời cho đến khi tên lửa gần hết nhiên liệu. Sau đó, khoang chứa phi hành đoàn sẽ tách khỏi tên lửa, tiếp tục lơ lửng để mang đến cho hành khách vài phút trải nghiệm cảm giác không trọng lượng.
Tách khỏi khoang tàu, tên lửa sẽ bay riêng lẻ và thực hiện hạ cánh thẳng đứng trở lại bệ phóng nhờ hệ thống máy tính được tích hợp sẵn. Còn khoang tàu sẽ triển khai hệ thống dù bay giảm tốc để đáp xuống mặt đất.
Trong khi đó, nếu muốn thực hiện chuyến bay vòng quanh quỹ đạo Trái đất, tên lửa cần phải dự trữ đủ nhiên liệu để tàu có thể đạt vận tốc ít nhất 11.265 km/giờ, sao cho không bị trọng lực kéo xuống.
Các chuyến bay dưới quỹ đạo tiêu tốn ít năng lượng hơn, không đòi hỏi vận tốc cao, đồng nghĩa với việc tên lửa không cần nhiều thời gian để đốt năng lượng, nhiệt độ ngoài tàu sẽ đỡ nóng hơn, chịu ít áp lực và sức nén hơn, do đó ít khả năng xảy ra sự cố hơn.

Rủi ro lớn ra sao?

Khoang tàu New Shepard hoạt động hoàn toàn tự động, không có người lái và chưa bao giờ gặp sự cố trong 15 chuyến bay thử nghiệm trước đó. Bản chất chuyến bay dưới quỹ đạo của tàu New Shepard vốn ít rủi ro hơn so với những nỗ lực du hành vũ trụ đầy tham vọng khác, nhưng không có nghĩa rủi ro không tồn tại.
Trở về Trái đất, tàu New Shepard phải chịu áp lực 4,5 Gs khi ma sát với bầu khí quyển, đồng thời nhiệt độ bên ngoài tàu lúc đó có thể lên tới 1.926 độ C.
Sở dĩ các hành khách không cần mặc đồ bảo hộ vì bên trong khoang tàu có áp suất và có thể dùng mặt nạ dưỡng khí nếu cabin bị mất áp suất. Tàu cũng được trang bị hệ thống đẩy khoang chứa hành khách ra khỏi tên lửa trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra còn có các tính năng an toàn dự phòng để giúp khoang tàu hạ cánh nhẹ nhàng nếu không thể bung dù giảm tốc.
Dù ít rủi ro hơn bay vòng quanh Trái đất, những chuyến bay dưới quỹ đạo vẫn có nguy cơ gây chết người. Tàu bay dưới quỹ đạo của Virgin Galactic năm 2014 đã gặp sự cố khi phi công cố gắng triển khai hệ thống cánh lái giúp tàu đáp xuống đất. Thế nhưng cánh lái tạo ra lực cản, khiến tàu bị xé toạc thành nhiều mảnh và giết chết một phi công. 
Mặc dù Blue Origin không gặp tai nạn thương tâm nào trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng người trong ngành luôn bảo nhau: không gian rất khó lường. Jeff Bezos chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra vì ông cho rằng điều này xứng đáng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.