Huawei không có kế hoạch cắt đứt quan hệ với các nhà cung cấp Mỹ

27/04/2020 14:03 GMT+7

Mặc dù có những lựa chọn khác nhưng Huawei vẫn muốn duy trì mối quan hệ đã có với các nhà cung cấp tại Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Dragon do Viện Khoa học Xã hội Cam Túc (Trung Quốc) xuất bản, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Huawei Technologies, cho biết công ty ông sẽ tiếp tục dùng linh kiện của các nhà cung cấp Mỹ cho điện thoại thông minh mặc dù có những lựa chọn khác. Đồng thời ông cũng nói rằng Trung Quốc nên thực tế về khả năng đẩy mạnh chuỗi cung ứng công nghiệp và “không thể có quá nhiều ảo tưởng”.
“Chúng tôi đã mua các bộ phận linh kiện từ Mỹ với tổng số tiền 18,7 tỉ USD trong năm ngoái, một sự gia tăng lớn so với 11 tỉ USD trước đó. Chúng tôi không nghĩ đến việc thay thế các thiết bị công nghệ của Mỹ. Mỹ sẽ luôn là người bạn tốt của chúng tôi”, ông Nhậm Chính Phi nói, bất chấp một thực tế là Huawei đã bị chính quyền Mỹ đưa vào danh sách đen gọi là “Danh sách Thực thể”. Theo đó, hãng viễn thông Trung Quốc sẽ bị hạn chế hoạt động kinh doanh với các công ty Mỹ. Ngược lại, chỉ khi được chính phủ cho phép, các công ty Mỹ mới có thể bán thiết bị cho Huawei.
Đầu tháng này ông Richard Yu, giám đốc kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cũng nói rằng Huawei có tùy chọn không sử dụng các linh kiện của Mỹ cho điện thoại thông minh, nhưng công ty vẫn muốn duy trì mối quan hệ với các nhà cung cấp ở Mỹ. Kể từ khi bị đưa vào “Danh sách Thực thể” hồi tháng 5.2019, hãng viễn thông Trung Quốc đã không ngừng chạy đua phát triển công nghệ riêng hoặc mua các thiết bị không sử dụng công nghệ Mỹ. Ba tháng sau, Huawei ra mắt một hệ điều hành mới để chạy trên tất cả thiết bị của mình gọi là Harmony OS, nhưng cho đến nay công ty vẫn chưa đưa hệ điều hành này vào bất kỳ thiết bị cầm tay nào.
“Chúng tôi không dùng linh kiện của Mỹ cũng không sao, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người dùng không mua sản phẩm của chúng tôi nữa. Hệ điều hành Android và Apple có doanh số khổng lồ trên thế giới và người dùng đã quen thuộc với chúng. HarmonyOS được phát triển không phải để trở thành đối thủ cạnh tranh với các lựa chọn thay thế của Mỹ mà là một giải pháp khi công ty bị đưa vào danh sách thực thể”, ông Nhậm Chính Phi nói.
Khi đề cập đến sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và về tình trạng phân tách kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc do cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm, ông Nhậm Chính Phi nói rằng không có quốc gia nào có thể trở nên hoàn tự túc trong kinh doanh.
“Sẽ là một sai lầm cho các quốc gia muốn chuyển chuỗi công nghiệp về nước vì sự phát triển của nền kinh tế thế giới được thiết lập thông qua toàn cầu hóa. Năng lực cạnh tranh là một phần của toàn cầu hóa. Mặt khác, những khu vực sản xuất khổng lồ tầm trung và thấp ở Trung Quốc đã được chuyển sang các nước như Thái Lan và Việt Nam, trong khi đó ngành công nghệ của Mỹ đã vượt qua Trung Quốc. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang nằm ở lớp giữa của chuỗi công nghiệp toàn cầu và nó sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để đi lên. Vì vậy, có lẽ chúng ta đã có quá nhiều ảo tưởng”, ông Nhậm Chính Phi nói.
Dịch Covid-19 đã có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của Huawei. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước, ông Nhậm Chính Phi cho biết Huawei sẽ tăng ngân sách nghiên cứu và phát triển trong năm nay thêm 33% so với năm ngoái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.