Hơn 5.000 startup Mỹ tăng gọi vốn, chuẩn bị cho khủng hoảng kinh tế

Thu Thảo
Thu Thảo
24/12/2018 07:45 GMT+7

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ CB Insights cho hay hơn 5.000 startup Mỹ huy động được tổng cộng 96 tỉ USD từ đầu năm đến nay.

Zymergen là một trong các startup ồ ạt đón vốn. Nhà sáng lập Zymergen Joshua Hoffman không cần huy động 400 triệu USD từ SoftBank, bởi hãng sinh học tổng hợp 5 năm tuổi của ông vượt mục tiêu tăng trưởng và thanh toán hóa đơn đúng hạn. Tuy nhiên, ông Hoffman vẫn nhận hàng triệu USD vì một lý do: Chuẩn bị cho đợt suy thoái sắp xảy ra.
“Chắc chắn chúng tôi muốn có một chút mỡ đắp ngoài xương. Thời gian tốt để gọi vốn là khi mọi người có nó để đưa cho bạn”, ông Hoffman chia sẻ. Ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm hiện ngập trong tiền mặt, song giới startup thì lo rằng những ngày tươi đẹp không kéo dài mãi.
Zymergen là một trong hơn 5.000 startup ở Mỹ gọi vốn tổng cộng 96 tỉ USD năm nay. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ thời bong bóng dotcom, theo CB Insights. Tuy nhiên, một số yếu tố thúc đẩy mức đầu tư “nóng”, chẳng hạn như thị trường tăng điểm kéo dài và tăng trưởng được thúc đẩy bằng mọi giá, đang có dấu hiệu suy giảm. Giới chuyên gia dự báo suy thoái kinh tế sắp xảy ra. Nhiều nhà sáng lập và nhà đầu tư mạo hiểm cật lực huy động nhiều tiền hơn, không chỉ để phát triển mà còn để sẵn sàng cho suy thoái.
Ông Joshua Hoffman Ảnh: Zymergen
Bilal Zuberi, đối tác tại Lux Capital, cho hay: “Tôi chắc chắn 100% rằng có một kiểu suy thoái nào đó sắp xảy ra. Đó sẽ là đợt điều chỉnh lớn”. Ông Zuberi cho hay mình khuyến khích startup gọi vốn ngay bây giờ, giảm chi phí và tuân thủ kỷ luật trong báo cáo tài chính nếu họ chưa sẵn sàng cho suy thoái. Ông cũng khuyên startup trữ tiền mặt để thâu tóm trong trường hợp doanh nghiệp đối thủ bị buộc phải “bán mình” hoặc bán tài sản với giá rẻ.
Nỗi lo về suy thoái có vẻ hơi... thừa nếu chỉ cân nhắc số liệu gọi vốn. Những năm gần đây, với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư mạo hiểm như quỹ Vision Fund của SoftBank, Thung lũng Silicon có thể cảm thấy rằng họ ở thời đoạn tốt đẹp. Dù vậy, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp tính toán cho tương lai.
Anton Levy, CEO General Atlantic, cho biết nhiều startup giờ không chỉ trình bày kế hoạch tăng trưởng cho thành viên hội đồng quản trị mà còn trình cả kế hoạch dự phòng, cho thấy họ sẽ hoạt động ra sao trong một nền kinh tế đi chậm với doanh số thấp hơn. Những tháng gần đây, ông Levy cho biết mình thấy ít nhà đầu tư sẵn sàng đưa định giá cao ngất cho các hãng chưa khẳng định mình vì nỗi lo suy thoái kinh tế.
Airbnb là một trong các hãng startup đi lên sau khủng hoảng tài chính Ảnh: Reuters
Với các hãng có thể gọi vốn lúc này, nhiều trong số họ chịu áp lực phải hành động nhanh. Jon Auerbach, đối tác tại Charles River Ventures, cho hay startup ngày càng lo rằng nếu họ chờ đợi để gọi vốn, họ có thể đứng ngoài dòng tiền một khi chính sách “thắt lưng buộc bụng” được khởi động. 
Ít nhất là lúc này, nhiều hãng đầu tư mạo hiểm vẫn còn tiền để tiêu, ngay cả khi thị trường đại chúng lao dốc. Các hãng liên doanh huy động được hơn 30 tỉ USD mỗi năm trong 5 năm qua, đồng nghĩa với việc giới đầu tư ngồi trên “núi” tiền mặt. Dù giảm tốc độ đầu tư, họ không bao giờ muốn bỏ lỡ cơ hội lớn kế tiếp. 
Cuối cùng là không phải ai cũng lo về suy thoái. Lịch sử cho thấy suy thoái thường tạo ra doanh nghiệp thành công, bất chấp thổi bay các hãng yếu. Đơn cử, Oracle và Microsoft được thành lập gần đợt suy thoái kinh tế thập niên 1970 nhưng đến nay vẫn đứng vững. Mới hơn, Uber và Airbnb là hai ví dụ khi startup mở cửa sau đợt lao dốc thị trường gần nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.