Hệ thống tín dụng công dân ở Trung Quốc có tác dụng gì?

05/03/2019 14:07 GMT+7

Trung Quốc có dân số đông nhất thế giới, vì vậy chính phủ muốn kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi xấu và đảm bảo xã hội ổn định.

Hàng triệu lượt mua vé tàu, máy bay bị từ chối

Hệ thống điểm tín dụng công dân được Trung Quốc áp dụng thử nghiệm rải rác ở một số địa phương trong năm 2018 và triển khai mạnh mẽ hơn từ năm 2019 và các năm về sau.
Công dân sẽ được chấm điểm tín dụng dựa trên hành vi của họ trong cuộc sống cũng như ở các nơi công cộng. Người có điểm tín dụng cao là những cá nhân có hành vi không vi phạm với đạo đức, quy chuẩn cộng đồng, từ đó được phép tiếp cận với nhiều dịch vụ hơn. Ngược lại, những hành vi phạm pháp, trái quy tắc dù lớn hay nhỏ như vứt tàn thuốc, tranh ghế trên xe buýt, tàu điện… cũng có thể khiến công dân bị trừ điểm tín dụng. Những người có tín nhiệm thấp sẽ bị giới hạn tiếp cận dịch vụ, thậm chí bị từ chối giao dịch.
Chỉ sau vài tháng hoạt động đã có hàng triệu cá nhân, doanh nghiệp bị gán mác không đáng tin cậy, điểm tín dụng thấp và nằm trong danh sách đen của chính phủ. Những cá nhân, tập thể này sẽ bị hạn chế tiếp cận, sử dụng các dịch vụ di chuyển công cộng, tín dụng xã hội…
Báo cáo thường niên 2018 của Trung tâm Thông tin Tín dụng công dân Quốc gia (NPCIC) Trung Quốc cho thấy có hơn 3,59 triệu doanh nghiệp nước này có điểm tín dụng thấp, “không đáng tin cậy”. Họ không được tham gia các hoạt động kinh doanh như đấu thầu dự án, tiếp cận thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu…
Cảnh sát được trang bị kính thông minh giúp nhận diện kẻ tình nghi trong vài giây Ảnh: AFP/Getty Images
Một báo cáo mới đây cũng cho thấy trong năm 2018, đã có hơn 23 triệu lượt mua vé tàu, máy bay bị từ chối vì người mua là công dân có điểm tín dụng thấp. Không chỉ vậy, họ còn bị hạn chế với nhiều dịch vụ khác nhau, kể cả sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Nhiều lo ngại về quyền riêng tư

Để có thể theo dõi, xác định được những công dân có tín dụng xấu trên cơ sở dữ liệu quốc gia, Trung Quốc đã sử dụng đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện khuôn mặt. Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, camera AI được lắp đặt khắp mọi nơi ở nhiều thành phố, làm việc không quản ngày đêm để nhận diện tội phạm cũng như phân tích dữ liệu công dân.
Hệ thống này hoạt động hiệu quả đến mức cảnh sát Trung Quốc từng bắt thành công một kẻ bị truy nã giữa đám đông 60.000 người tại một chương trình ca nhạc diễn ra hồi tháng 4.2018. Hệ thống tương tự cũng giúp giới chức bắt 25 tội phạm truy nã ngay trong lễ hội bia quốc tế tại Thanh Đảo (Trung Quốc).
Bằng việc sử dụng AI để nhận diện khuôn mặt sau đó đối chiếu với hệ thống dữ liệu trực tuyến khổng lồ về dân cư cả nước, chính quyền có thể phát hiện ra một cá nhân bất kỳ chỉ trong vài giây và độ chính xác lên tới 99%, có thể xem là chính xác nhất thế giới hiện nay.
Chưa dừng ở đó, Bắc Kinh còn đầu tư nhiều triệu USD để phát triển và ứng dụng công nghệ nhận diện, giám sát người dân qua dáng đi. Hệ thống này cũng được dựa trên AI, có khả năng phân tích dáng đi bộ của từng người và đối chiếu để xác minh. Công nghệ này có thể phát hiện ra đối tượng ngay cả khi không nhìn thấy khuôn mặt (ẩn trên camera, đang quay lưng…) trong khoảng cách 50 m. Đây là cách bổ sung không thể thiếu cho các camera AI chuyên nhận diện khuôn mặt. Tỷ lệ nhận diện của chương trình qua thực nghiệm lên tới 94%.
Dựa vào dáng đi của từng người, AI sẽ tính toán, phân tích được những đặc điểm trên cơ thể như độ dài sải chân, nhịp bước, góc hông, tốc độ di chuyển…
Tất cả khuôn mặt đều có trong dữ liệu công dân quốc gia Ảnh: AFP/Getty Images
Việc thu thập dữ liệu định danh và sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo cùng hệ thống nhận dạng, nhận diện trang bị khắp nơi được chính phủ nước này lý giải để giám sát người dân, phục vụ cho công tác an ninh, đồng thời duy trì trật tự xã hội cũng như bảo vệ tài sản của họ.
Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư. Người dân đều được yêu cầu đăng ký thông tin định danh cá nhân. Tất cả dữ liệu của họ đều được thu thập như các đặc điểm nhận dạng, số tài khoản xã hội, số điện thoại…Chính quyền không chỉ nắm được toàn bộ thông tin cá nhân của từng công dân trong xã hội, mà những người này cũng không còn không gian riêng tư.
Dù vậy, những ý kiến trái chiều chỉ xuất hiện trên mạng xã hội Weibo của nước này (nền tảng tương tự Facebook), kèm những thắc mắc về vấn đề riêng tư nay đã không còn “riêng tư” nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.