Hệ điều hành Android lên 10 tuổi

Thành Luân
Thành Luân
24/09/2018 14:16 GMT+7

Mười năm trước, hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới đã được giới thiệu cùng với chiếc điện thoại Android đầu tiên T-Mobile G1.

Theo PhoneArena, T-Mobile G1 được tạo bởi HTC, có một bàn phím QWERTY và trang bị bi xoay. Vào thời điểm đó, việc phát hành G1 (hay còn gọi là HTC Dream) được xem như là màn thử nghiệm hệ điều hành. Phiên bản phát hành công khai đầu tiên của Android (v1.1) đã thiếu một vài thứ như trình phát video gốc và bàn phím QWERTY ảo.
Bản cập nhật lên Android 1.5 Cupcake đã giải quyết vấn đề thứ hai và Android Market cung cấp các ứng dụng để bổ sung những khoảng trống của hệ điều hành. Nhưng điều quan trọng là Android cung cấp các tùy chỉnh không có sẵn trên iPhone 3G của Apple.
Điện thoại Android không được xếp hạng cao ở thời điểm đó cho đến khi Verizon phát hành Motorola DROID chạy Android 2.0 vào ngày 5.11.2009. Lúc này hệ điều hành di động nguồn mở của Google đã được cài đặt trong phần cứng có thể thách thức iPhone.
Ở bản cập nhật Android 2.2 Froyo, hệ điều hành đã hỗ trợ Adobe Flash. Google hy vọng rằng điều này sẽ phân biệt các thiết bị cầm tay Android so với iPhone, nhưng Flash lại gây ra một thảm họa cho người dùng Android khi nó ngốn tài nguyên và làm cho điện thoại Android yếu đi.
Google bắt đầu "thử lửa" với thị trường phần cứng bằng Nexus One Ảnh: AFP
Sau sự thành công của DROID, Google đã phát hành Nexus One. Nó không chỉ có tính năng phần cứng mạnh nhất mà còn khởi động chương trình Nexus của Google. Thiết bị cầm tay Nexus nổi bật trên thế giới Android khi trở thành thiết bị Android đầu tiên được cập nhật hệ điều hành trong thời gian sớm nhất trong bối cảnh thế giới Android bị cho là phân mảnh quá lớn. Google đã kết thúc chương trình Nexus với Nexus 6P và Nexus 5X vào năm 2015, thay thế bằng dòng thiết bị cầm tay Google Pixel của riêng mình.
Không giống như iPhone cứng nhắc với màn hình kích thước (3,5 inch), các nhà sản xuất Android đã tìm cách xem họ có thể kéo màn hình thiết bị ra sao. Đó là lý do tại sao các điện thoại như Motorola DROID X có màn hình 4,3 inch xuất hiện. Đến quý 3/2010, Android là hệ điều hành di động phổ biến thứ hai trên thế giới với 25,5% thị trường smartphone toàn cầu, chỉ xếp sau thị phần 36,6% của Symbian. iOS của Apple đứng thứ ba với 16,7% thị phần. Năm trước đó, Symbian chiếm 44,6% thị phần thiết bị cầm tay, trong khi BlackBerry là 20,7% và Android là 3,5%.
Đặc biệt đến quý 4/2010, Android đã trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất, đẩy Symbian xuống thứ hai (30,6%) và iOS (16%) xuống thứ ba. Các nhà sản xuất như HTC tiếp tục thử nghiệm công nghệ mới bằng cách phát hành điện thoại như EVO 3D. Sau đó Samsung đã tấn công thị trường bằng Galaxy S II và Motorola là hãng đầu tiên mang đến cho smartphone một máy quét vân tay qua Motorola Atrix 4G.
Điện thoại Android ngày càng trở nên hấp dẫn với các tính năng hiện đại Ảnh: AFP
Năm 2011, Google tung ra Android 3.1 Honeycomb cho máy tính bảng và 4.0 Ice Cream Sandwich cho điện thoại. Motorola XOOM là tablet đầu tiên chạy Honeycomb, nhưng Google đã khai tử Honeycomb khá nhanh chóng khi công ty cho biết không thấy lý do gì để cung cấp hai hệ điều hành riêng biệt cho điện thoại và máy tính bảng. Sau đó Android đã ngày càng mạnh mẽ hơn với sự xuất hiện của những cái tên Jelly Bean, KitKat, Lollipop, Marshmallow, Nougat và Oreo. Phiên bản mới nhất, Android 9 Pie, hiện có sẵn cho các thiết bị cầm tay Pixel, Essential Phone và OnePlus 6.
Ngày nay, Android thống trị thị trường smartphone. Theo Statista, trong quý 2/2018, 88% smartphone được mua trên toàn thế giới đã cài đặt Android. Tiếp theo là iOS với 11,9% thị phần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.