Hãng vũ trụ của Jeff Bezos làm động cơ tên lửa cho Boeing, Lockheed Martin

Thu Thảo
Thu Thảo
29/09/2018 20:00 GMT+7

Blue Origin, hãng hàng không vũ trụ do tỉ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos sáng lập, vừa giành được hợp đồng cung ứng thế hệ động cơ kế tiếp cho tên lửa khổng lồ mà liên minh United Launch Alliance (ULA) đang phát triển.

Theo CNBC, động cơ EB-4 của Blue Origin không những là yếu tố giúp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của hãng mà sắp tới còn được gắn vào tên lửa Vulcan của ULA. Vulcan là tên lửa nâng hạng nặng, được chế tạo để cạnh tranh với SpaceX trong các hợp đồng thương mại và quân sự hấp dẫn. ULA là liên doanh do Boeing và Lockheed Martin thành lập vào năm 2006.
CEO ULA xác nhận thông tin về hợp đồng động cơ tên lửa với Blue Origin: “Chúng tôi rất vui khi được tham gia vào quan hệ đối tác với Blue Origin và mong đợi chuyến bay thành công đầu tiên của phương tiện phóng kế tiếp”.
Ông Bezos, nhà sáng lập Amazon kiêm tỉ phú số một thế giới, đầu tư mạnh vào Blue Origin. Ông rót 1 tỉ USD giá trị cổ phiếu Amazon vào công ty vũ trụ mà mình sáng lập mỗi năm. Hôm 19.9, Bezos cho biết ông có kế hoạch đầu tư tiếp 1 tỉ USD nữa vào tên lửa New Glenn mới của công ty. Tên lửa này cũng sẽ dùng động cơ BE-4.
Động cơ ngốn phần lớn chi phí của tên lửa. Vì thế hợp đồng với ULA có thể lên đến vài tỉ USD với Blue Origin. Hãng này từ lâu là công ty nhỉnh hơn trong cuộc đua với Aerojet Rocketdyne, hãng sản xuất động cơ AR1. Dù AR1 vẫn hoạt động về mặt kỹ thuật tính đến thời điểm này, ULA cho hay họ muốn dùng BE-4 cho tên lửa Vulcan hơn và để AR1 làm động cơ dự phòng. Aerojet hiện trễ tiến độ phát triển, trong khi Blue Origin thì hoàn thành nhiều thử nghiệm, khởi chạy động cơ BE-4 trong nhiều khoảng thời gian dài.
Tên lửa Vulcan của ULA Ảnh: ULA
Dù vậy, Aerojet vẫn không hoàn toàn thua cuộc trước Blue Origin. Hồi tháng 5, ULA thông báo rằng họ chọn động cơ RL10 nhỏ hơn của hãng này để sử dụng cho phần trên của Vulcan. Đây là phần tên lửa phóng tàu vũ trụ vào quỹ đạo của hành tinh mà nó được dự kiến tiến hành nhiệm vụ. ULA đang dùng RL10 cho tên lửa Atlas V và Delta IV.
Thỏa thuận với ULA cũng thể hiện bước đi quan trọng đầu tiên của Blue Origin trong việc thắng thêm nhiều hợp đồng quân sự có lợi lớn. Lầu Năm Góc nỗ lực để đảm bảo rằng các tên lửa mà họ mua xuất xứ hoàn toàn từ Mỹ. Điều đó giúp Blue Origin trở thành nhà cung ứng tiềm năng cho vài doanh nghiệp.
Cuộc đua giành hợp đồng cung ứng cho nhiều thiết bị quân sự Mỹ đến hồi gây cấn. SpaceX đến nay chiếm phần lớn thị phần thị trường từ ULA, đơn vị cung ứng các thiết bị phóng duy nhất cho quân đội Mỹ gần một thập niên qua.
Cột mốc quan trọng kế tiếp trong hoạt động kinh doanh tên lửa là giải thưởng Không quân Mỹ được dự kiến trao vào cuối năm nay. Khoảng 1,2 tỉ USD được dành ra để mua thiết bị phóng trong 5 năm tới.
Không quân Mỹ đang tìm cách thu hẹp số lượng nhà cung ứng tiềm năng. Hiện chỉ có ULA, SpaceX, Northrop Grumman và Blue Origin trong danh sách. Mỗi doanh nghiệp đều từng giành giải thưởng phát triển ban đầu vào năm 2016. Vòng kế tiếp, Không quân Mỹ sẽ chọn ba công ty để phát triển mẫu thử nghiệm hệ thống. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong năm 2020, khi Không quân Mỹ chọn hai nhà cung cấp để cạnh tranh trong 28 nhiệm vụ lần lượt tiến hành trong 5 năm tới.
[VIDEO] Vài phút du lịch vũ trụ giá 7 tỉ đồng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.