Hãng Trung Quốc công bố công cụ AI phát hiện ung thư

Thu Thảo
Thu Thảo
30/11/2018 19:28 GMT+7

Yitu Technology, startup đi đầu mảng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc, vừa giới thiệu công cụ sàng lọc ung thư AI, nhằm giảm khối lượng công việc và cải thiện khả năng chẩn đoán cho chuyên gia X-quang toàn cầu.

Theo South China Morning Post hôm 29.11, công cụ này được công bố tại hội nghị thường niên do Cộng đồng X-quang Bắc Mỹ tổ chức ở Chicago (Mỹ). Công cụ cho phép máy móc chẩn đoán và đưa ra đề xuất điều trị trong vòng vài giây, dựa trên một loạt các yếu tố đầu vào, trong đó có ảnh chụp bệnh nhân, kết quả siêu âm, mẫu bệnh lý, gen và hồ sơ ghi chép.
Công cụ nhấn mạnh lĩnh vực ứng dụng AI mà Trung Quốc có thế mạnh. Nước này không những thúc đẩy phát triển AI mạnh mẽ mà còn là nơi có 20% bệnh nhân ung thư toàn cầu sinh sống, theo số liệu thống kê từ chính phủ.
“Trung Quốc đang tiến bộ nhanh và dẫn đầu trong việc áp dụng AI vào ngành y tế. Các sản phẩm AI y tế có thể đáp ứng nhu cầu lâm sàng với hiệu quả hoạt động đáng tin cậy và được nhân rộng nhanh chóng là những sáng tạo tuyệt vời trong lịch sử nhân loại”, Phó chủ tịch Yitu Healthcare Cathy Fang Cong cho hay.
Kết quả chẩn đoán ung thư phổi từ công cụ chẩn đoán ung thư do Yitu phát triển Ảnh: Yitu
Startup có trụ sở ở Thượng Hải là một trong hàng chục hãng AI nổi lên ở Trung Quốc những năm gần đây, ứng dụng kiến thức trong lĩnh vực máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để phát hiện ung thư. Tháng 11.2017, robot thông minh do hãng iFlytek ở Thâm Quyến phát triển vượt qua được bài kiểm tra trình độ quốc gia cho bác sĩ. Hãng Yitu thì ra đời năm 2012, nhận vốn từ Sequoia Capital, Yunfeng Capital và Hillhouse Capital.
Nền tảng chẩn đoán, điều trị thông minh của Yitu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán, điều trị ung thư phổi và ung thư vú, hai dạng bệnh ung thư phổ biến nhất của nam và nữ giới Đại lục. Nền tảng này đang được mở rộng nghiên cứu để nó chẩn đoán được thêm ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày.
Nhiều hãng lớn Đại lục tích cực hoạt động trong mảng AI ứng dụng vào y tế. Đơn cử, Tencent Holdings được Bắc Kinh chọn hồi tháng 11 năm ngoái để phát triển AI ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe. Tencent từ đó hợp tác với hơn 100 bệnh viện được đánh giá AAA trên cả nước.
Baidu cũng không kém cạnh khi chuyển sang công nghệ AI mã nguồn mở có thể giúp các nhà nghiên cứu bệnh học phát hiện ung thư vú. Alibaba Group thì hợp tác với bệnh viện để phát triển nền tảng chẩn đoán thông minh.
Một bệnh nhân đang được hỗ trợ để chụp nhũ ảnh, sàng lọc ung thư vú Ảnh: Reuters
Ngoài công cụ AI chẩn đoán ung thư, Yitu còn giới thiệu hệ thống hình ảnh 4D để thực hiện CT ngực tại hội nghị ở Chicago. Hệ thống cho ra hình ảnh phổi tức thì để phát hiện nốt sần và nhiều tổn thương khác, bao gồm các mảng u nang. Công cụ được thiết kế dưới dạng “trợ lý lâm sàng”, giúp chuyên viên X-quang giảm khối lượng làm việc.
Yitu có đội ngũ 400 bác sĩ được chứng nhận, hợp tác với hơn 200 bệnh viện hạng AAA ở Trung Quốc để sử dụng thử công cụ trong môi trường thực tiễn lâm sàng. Hồi tháng 6, Yitu công bố quan hệ hợp tác với Bệnh viện Tây Trung Quốc ở Thành Đô để nghiên cứu ung thư phổi. Hãng được quyền truy cập khoảng 28.000 trường hợp mắc bệnh thực tế. Đây là cơ sở dữ liệu lớn nhất của bệnh nhân ung thư phổi được dùng cho nghiên cứu chẩn đoán AI.
Yitu hiện tham gia chương trình sàng lọc ung thư sớm đang được triển khai trên cả nước. Hãng có văn phòng ở Singapore, có thể làm chỗ đứng để mở rộng hoạt động ra toàn cầu. Các nước Đông Nam Á có thể là nơi dừng chân đầu tiên của Yitu. Hãng cho rằng khu vực này có thái độ "cởi mở và tích cực" với hoạt động chăm sóc sức khỏe kèm sự hậu thuẫn của AI.
Mỗi năm, Trung Quốc có trung bình hơn 780.000 ca ung thư phổi mới, theo Viện Ung thư Quốc gia. Ô nhiễm môi trường, lối sống không lành mạnh và tuổi thọ dài hơn là ba lý do khiến số ca ung thư tại Đại lục tăng vọt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.