Giới phát minh Trung Quốc tăng nhận bằng sáng chế Mỹ

Thu Thảo
Thu Thảo
10/01/2019 07:54 GMT+7

Số lượng nhà phát minh Trung Quốc nhận bằng sáng chế Mỹ trong năm 2018 đạt kỷ lục. Nước này trên đà vượt Đức để giữ vị trí thứ tư trong số các nước nhận nhiều bằng sáng chế nhất.

Theo Bloomberg, đây là một phần phân tích hồ sơ nộp lên Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ hôm 8.1. Cụ thể, các nhà phát minh làm việc cho doanh nghiệp Trung Quốc được cấp 12.589 bằng sáng chế Mỹ trong năm qua, tăng 12% trong cả năm và tăng 10 lần so với mức cách đây một thập niên.
Mỹ vẫn thống trị số lượng bằng khi thu về 46% trong số 308.853 bằng sáng chế tiện ích được chính Mỹ cấp năm ngoái. Theo sau là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức. Đặc biệt, chỉ riêng hãng International Business Machines (IBM) đã thu về 9.100 bằng sáng chế, giữ vị trí đơn vị nhận nhiều bằng sáng chế nhất. IBM đứng ở bục này suốt 26 năm qua, theo phân tích của IFI Claims Patent Services thuộc Fairview Research.
Nhìn chung, số lượng bằng sáng chế được cấp bởi văn phòng bằng sáng chế giảm 3,5% trong năm 2018. Tất cả các nước lớn, trừ Trung Quốc, nhận ít bằng sáng chế hơn so với năm 2017. Nhà phân tích Larry Cady thuộc IFI Claims nhận định: “Trung Quốc sẽ vượt qua Đức trong thời gian ngắn. Có lẽ không phải là năm sau, mà là năm sau nữa”.
Các nước nhận nhiều bằng sáng chế nhất trong năm qua. Trung Quốc là nước duy nhất có số bằng sáng chế nhận được tăng lên Ảnh: Bloomberg
Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chi hàng tỉ USD tài trợ nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử và công nghệ sinh học. Nước này thổi bùng cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu, vốn là một trong các mục tiêu chính mà chiến tranh thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng nhắm đến. Chính quyền ông Trump cho rằng Trung Quốc đánh cắp bí quyết công nghệ Mỹ.
Mức tăng ổn định trong số lượng bằng sáng chế của Đại lục cho thấy giới doanh nghiệp Trung Quốc đang phát triển công nghệ riêng. Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ có quy trình thử thách hồ sơ nộp xin bằng sáng chế dựa trên ý tưởng bị đánh cắp, dù rất ít thủ tục như thế được nộp để chống lại các nhà phát minh.
Việc cấp bằng sáng chế được xem là “món hời lớn” khi nhà phát minh đồng ý công khai cách sao chép ý tưởng của họ để nhiều người xây dựng thêm. Đổi lại, họ được độc quyền sáng chế trong 20 năm kể từ ngày có đơn. Sáu trong số 10 đơn vị nhận bằng sáng chế nhiều nhất là doanh nghiệp Mỹ, đó là Intel, Qualcomm, Apple, Ford Motor, IBM và Microsoft. Bốn doanh nghiệp còn lại trong top 10 đến từ châu Á, đó là Samsung Electronics, Canon, LG Electronics và Taiwan Semiconductor Manufacturing.
10 doanh nghiệp Mỹ nhận nhiều bằng sáng chế nhất năm Ảnh: Bloomberg
Phó chủ tịch kiêm giám đốc phòng thí nghiệm IBM Research - Almaden, ông Jeff Welser, cho biết: “Chúng tôi dùng điều này như là cách để thúc đẩy sự đổi mới. Thực tế giúp chúng tôi đứng vững trong 108 năm qua là vì chúng tôi luôn thúc đẩy chương trình đổi mới. Đây là những gì cho phép chúng tôi biến đổi”.
Số bằng sáng chế mà IBM nhận được gần đây có 1.600 bằng thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, 2.000 bằng thuộc điện toán đám mây và 1.400 bằng thuộc an ninh mạng. Các bằng sáng chế mà IBM nhận được vinh danh 8.500 nhà phát minh của hãng trên khắp 47 tiểu bang Mỹ và 48 quốc gia.
Tuy nỗ lực hơn 20 năm để giành nhiều bằng sáng chế hơn bất cứ doanh nghiệp nào khác, IBM không giữ tất cả. Phân tích dữ liệu cho thấy IBM chỉ đứng hạng ba trong danh sách các doanh nghiệp giữ bằng sáng chế đến cùng. Samsung, nhà sản xuất smartphone, chất bán dẫn, tivi và tủ lạnh, là hãng đứng đầu với 61.608 bằng sáng chế, trong khi IBM có 34.376 bằng. “Samsung có khuynh hướng giữ bằng sáng chế, trong khi IBM bán rất nhiều. IBM khá cẩn thận. Nếu họ có bằng mà không làm gì cả thì họ sẽ để nó đi thay vì tiếp tục trả phí cho nó”, chuyên gia Cady cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.