Dự thảo giảm số môn học gây tranh cãi trên mạng

08/08/2015 10:58 GMT+7

(TNO) Sau khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra hôm 6.8, có rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng về sự đổi mới này.

(TNO) Sau khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra hôm 6.8, có rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng về sự đổi mới này.

Nhiều bạn cho rằng nên tập trung thay đổi cơ sở vật chất trước rồi Bộ GD-ĐT hãy nghĩ đến phương án đổi mới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo dự thảo mới nhất thì ở cấp THCS, học sinh sẽ chỉ còn học 7-8 môn bắt buộc thay vì 13 môn như hiện nay, trong khi ở cấp THPT sẽ có 4 môn bắt buộc với một số môn được thay đổi tên gọi để phù hợp với sự thay đổi nội dung, tính chất cũng như ý nghĩa giáo dục.

Ủng hộ quan điểm của Bộ GD-ĐT, bạn Ngoclan Nguyen cho rằng: “Nếu đúng như tin đã đưa thì rất mừng vì nó sẽ giảm tải được những môn phụ không cần thiết, giúp cho các em nhỏ đỡ nhồi nhét và bị áp lực”.

Dẫu vậy, bạn Nguyễn Thị Màng cho rằng việc giảm số lượng môn học này sẽ làm cho các giáo viên môn lịch sử hay địa lý không cần phải dạy nữa. “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường góc ngọn mới là Việt Nam”, bạn Màng nêu lên ý kiến của mình.

Cũng đồng tình với quan điểm của Bộ, nhưng bạn Linh Tinh thì muốn Bộ nên xem xét kỹ vấn đề trước khi áp dụng vào giảng dạy. “Nếu chỉ tập trung vào những môn bắt buộc còn những môn khác bị bỏ qua sẽ là một con dao hai lưỡi? Ngay khi bước vào cổng trường thì dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn” hiện ra trước mắt, nhưng không học môn giáo dục công dân để làm người trước thì sẽ ra sao?”, bạn Linh Tinh cho biết.
Đó cũng là quan điểm mà bạn Trang Nguyên đưa ra: “Giáo dục công dân đạo đức làm người trước đã, thanh thiếu niên ngày nay dễ giết người vì chuyện tình cảm quá. Có con gái đến tuổi yêu đương mà ngày nào cũng nghe tin tức chúng bị giết vì chia tay người yêu, cảm thấy lo lắng quá. Nên giáo dục cho thanh thiếu niên ngày nay sống nhân ái nghĩa tình trước đã”.

Ngoài những môn bắt buộc, cả ba cấp học đều cung cấp thêm môn tự chọn, trong đó nhóm tự chọn sẽ gồm 3 loại khác nhau với tỷ lệ tăng từ cấp dưới lên cấp trên.

Nhưng theo Vân Anh, giáo viên sử tại một trường THCS ở Thái Nguyên, lo ngại: “Nếu cho lịch sử, địa lý vào làm môn tự chọn thì sớm muộn người Việt Nam cũng không biết gốc tích mình ở đâu? Chúng ta đang muốn theo các nước phương Tây, nhưng ở bên họ có cơ sở vật chất, học sinh có tính tự giác và tự học cao. Còn ở nước ta, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, học sinh thì tính tự giác chưa cao chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”.

Đồng chung quan điểm, bạn Thu Linh nói: “Tốt nhất là chúng ta nên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học cho tốt rồi hãy tính tới chuyện học theo nước ngoài. Ở Việt Nam còn nhiều trẻ sáng đi học, chiều về chăn trâu cắt cỏ lắm”.

Phản đối việc thay đổi về môn tự chọn, bạn Minh Trung đưa ra quan điểm rằng: “Tôi không đồng ý bởi tôi nghĩ môn văn hóa sẽ ít đuợc lựa chọn. Hãy nghĩ xem môn văn hóa là môn đào tạo từ đạo đức cho tới lời nói, nếu bị bỏ qua thì xã hội có thể bị xuống cấp và vô cảm...”.

“Học môn cần, các môn kia theo đam mê là được. Học nhiều nhưng không vào được bao nhiêu cũng vô ích và phí phạm. Ai có khả năng muốn nâng cao kiến thức thì cứ học”, đó là quan điểm của bạn Nguyễn Đăng Gia Triều đưa ra.

Đóng góp về quan điểm môn học, bạn Hùng Tân Phùng thì cho rằng: “Từ lớp 1 đến lớp 9 thì cứ học như bình thường, nhưng khi lên lớp 10 những học sinh nào có năng khiếu gì thì nên cho chúng học sâu về chuyên môn đó sẽ hiệu quả hơn nhiều, chứ cái gì cũng biết mà chỉ biết chút đỉnh thì sẽ chẳng ra sao”.

Được biết, quá trình thay đổi này sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu, bắt đầu từ năm 2018. Tuy nhiên cộng đồng mạng cho rằng cần phải làm rõ hơn những đổi mới vì nó có thể ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh và giáo viên cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.