Độc đáo trải nghiệm mua sắm ở siêu thị công nghệ cao của Alibaba

Thu Thảo
Thu Thảo
31/08/2018 09:59 GMT+7

Hãng thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng hệ thống bán lẻ offline có tên Hema trên cả nước.

Theo CNBC, Alibaba đã phát triển thương hiệu siêu thị offline Hema ra 65 cửa hàng, siêu thị trong năm qua. Dù siêu thị truyền thống nghe có vẻ không liên quan mấy đến mảng công nghệ, Hema lại có rất nhiều yếu tố đổi mới, tiên tiến hệt như phong cách của Alibaba.
“Alibaba có chiến lược rất tham vọng về sự hội tụ giữa bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến. Nếu bạn nghĩ về việc Amazon tham vọng làm gì với Whole Foods, bạn sẽ hình dung được Hema ra sao và Alibaba sẽ làm thế nào”, giám đốc nghiên cứu Gil Luria của hãng dịch vụ tài chính D.A. Davidson & Co. cho hay.
Khách hàng đang quét mã QR của thực phẩm tại cửa hàng, siêu thị Hema Ảnh: Bloomberg
Khách hàng đến với siêu thị, cửa hàng có thể sử dụng ứng dụng di động của Hema để quét mã vạch thức ăn trong quá trình chọn mua. Mã vạch cho biết thông tin về sản phẩm và ý tưởng về công thức chế biến. Alibaba biết tất cả mọi thứ khách hàng đã mua, vì thế cung cấp cho người dùng gợi ý lựa chọn trong tương lai để họ nhanh chóng đặt cùng món hàng và được giao về tận nhà.
Siêu thị Hema cũng đóng vai trò là các trung tâm phân phối. Nhân viên Hema được phép đi xung quanh, soạn hàng gửi cho khách mua trực tuyến. Họ đặt đơn hàng đã soạn xong lên băng chuyền, chuyển cho trung tâm giao nhận.
Hema còn có nhiều quầy thử thức ăn tại chỗ cho khách hàng Ảnh: Bloomberg
Thông thường, khách hàng trong bán kính 3 km từ siêu thị có thể nhận đơn hàng trong 30 phút. Giúp khách hàng mua sắm truyền thống thoải mái hơn trong việc đặt hàng online chính là một trong ba trụ cột chiến lược của Alibaba.
Khách hàng có thể thanh toán qua tài khoản Taobao hoặc Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến từ Ant Financial của Alibaba. Tại một số cửa hàng Hema nhất định, khách thậm chí còn có thể thanh toán bằng cách quét khuôn mặt ở kiot.
Robot giao món ăn không có dạng nước như súp, hủ tiếu ra đến bàn cho thực khách tại Robot.He Ảnh: Axios
Không những hiện đại ở khu mua sắm, một siêu thị Hema ở Thượng Hải còn có nhà hàng công nghệ cao không kém. Đến với Robot.He, thực khách có thể dùng điện thoại để scan mã QR tại bàn, bắt đầu gọi món từ thực đơn với ứng dụng Hema. Món ăn có nước như súp sẽ do con người phục vụ, còn các món khác thì được đem ra bằng thiết bị robot.
Cửa hàng công nghệ cao của Alibaba được xem là có tất cả khía cạnh của sự đổi mới. “Với các công nghệ như của Alibaba, tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu họ có thể nhận dạng khuôn mặt, theo dõi, sử dụng vị trí địa lý để cố gắng thu hút người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, bằng cách cung cấp thứ mà nhiều người gọi là trải nghiệm khách hàng tốt hơn”, chuyên gia Luria cho hay.
Alibaba mới đây tăng cường mở rộng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Đầu năm nay, Alibaba dẫn đầu vòng tài trợ 600 triệu USD cho SenseTime, hãng phần mềm Hồng Kông chuyên công nghệ nhận diện khuôn mặt cho chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc. Năm ngoái, Alibaba hợp tác với KFC để cung cấp lựa chọn trả tiền bằng nhận diện khuôn mặt cho thực khách.
“Alibaba cược lớn vào chiến lược bán lẻ offline mới. Giá cổ phiếu bây giờ lẽ ra có thể bay cao hơn nhiều nếu hãng chỉ tập trung vào thị trường trực tuyến. Tuy nhiên, Alibaba đang đổ nhiều lợi nhuận vào chiến lược online đến offline”, Luria cho hay. Cổ phiếu Alibaba từ đầu năm đến nay giảm nhẹ.
SenseTime xây dựng giải pháp công nghệ nhận diện khuôn mặt cho chính phủ và doanh nghiệp Ảnh: Reuters
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.