Doanh nhân Nguyễn Đức Tài và tham vọng cách mạng di động Việt Nam

Thu Thảo
Thu Thảo
13/06/2018 16:36 GMT+7

Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm nay 13.6 có bài viết về doanh nhân Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động.

Khi Nguyễn Đức Tài, con trai một người bán hàng rong, nói rằng ông sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp điện thoại di động Việt Nam, rất ít người cho rằng ông nghiêm túc. “Mọi người cười tôi”, ông Tài kể lại chuyện hồi năm 2009.
Song ông vẫn kiên quyết thực hiện. Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (Mobile World Investment Corp.) của ông giờ là hãng bán điện thoại di động hàng đầu Việt Nam, và là hãng có cổ phiếu thuộc hàng đầu thị trường chứng khoán. Công ty có giá trị thị trường là 1,7 tỉ USD.
Vì thế nên giờ đây, khi ông Tài cho hay ông sẽ cải tân ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, nhiều người lắng nghe ông. "Tương lai của cửa hàng tạp hóa rất rõ ràng. Không phải là câu hỏi liệu tôi có thành công hay không, mà là câu hỏi liệu việc này sẽ mất bao lâu", doanh nhân mặc áo thun, năm nay 49 tuổi nói trong buổi phỏng vấn tại TP.HCM.
Thành công của ông Tài với tư cách doanh nhân đến từ nỗ lực hiện đại hóa Việt Nam. Với ngành điện thoại di động, ông mở ra chuỗi cung ứng cao cấp đầu tiên, nơi người tiêu dùng có thể an tâm về chất lượng và nguồn gốc của thiết bị. Trong thế giới mua sắm thực phẩm, ông cố gắng thay thế các chợ truyền thống của Việt Nam bằng các cửa hàng tạp hóa.
Ông Tài mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM năm 2016, bán rau, thịt và cá có nguồn gốc rõ ràng. Cửa hàng cũng có các mặt hàng thiết yếu khác như mì và đồ uống. Tại các chợ, thức ăn được bán không phải lúc nào cũng sạch. Người mua không nhất thiết cần biết nguồn gốc thức ăn và giá cả thì không cố định.
Cửa hàng Thế Giới Di Động ở TP.HCM Ảnh: Bloomberg
Chuỗi cửa hàng Bachhoaxanh của ông Tài hiện có 376 chi nhánh tại TP.HCM. “Ước mơ của chúng tôi là chiếm 10% thị trường tạp hóa 60 tỉ USD vào năm 2022”, doanh nhân Việt cho biết. Con số này sẽ gấp đôi doanh thu gần 3 tỉ USD của doanh nghiệp vào năm ngoái.
Ông Tài từng đi con đường tương tự trước đây. 15 năm trước, đợt bùng nổ điện thoại di động bỏ qua Việt Nam vì giá cả thiết bị quá đắt. Ông Tài kể: "Khi đó, chỉ các giám đốc điều hành hay người giàu mới có thể mua điện thoại. Sở hữu một chiếc điện thoại dường như là không thể với nhiều người, và tôi nghĩ chúng tôi cần phải làm gì đó để thay đổi điều này".
Vì thế năm 2003, ông bỏ vị trí giám đốc chiến lược tại một hãng điện thoại để khởi nghiệp. Ông mở ba cửa hàng tại các con hẻm nhỏ ở TP.HCM, song chúng thất bại sau vài tháng vì vị trí không tốt và không giành được lòng tin của khách hàng.
Năm 2004, ông cố gắng lần nữa. Lần này ông thành lập Thế Giới Di Động với bốn người bạn, mở các cửa hàng trên các con phố lớn và bán thiết bị với nguồn gốc rõ ràng. Thế Giới Di Động đang có 1.065 cửa hàng trên cả nước, chiếm 45% thị phần thị trường điện thoại thông minh và điện thoại di động tính đến cuối tháng 4. Cuối năm 2017, có gần 120 triệu thuê bao điện thoại di động ở Việt Nam, vượt số dân khoảng 94 triệu người. Doanh thu điện thoại di động tăng mạnh cùng nền kinh tế.
“Cơ hội đến rất nhanh và thị trường phát triển nhanh hơn tôi tưởng tượng”, sếp Thế Giới Di Động nói. Doanh nhân này từng lớn lên trong nghèo khó ở TP.HCM, nơi mẹ ông là người bán hàng rong. Khó khăn thuở nhỏ khiến ông đặt mục tiêu rằng phải nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn cuộc sống của ba mẹ mình. "Tôi luôn muốn nghĩ lớn và làm lớn", ông Tài nói.
Nhân viên Thế Giới Di Động giới thiệu sản phẩm cho khách hàng Ảnh: Bloomberg
Cổ phiếu Thế Giới Di Động tăng hơn gấp sáu lần từ khi được niêm yết vào năm 2014. 9/10 nhà phân tích theo dõi cổ phiếu này cho rằng đây là cổ phiếu đáng mua. Thế Giới Di Động là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong danh sách 50 công ty đại chúng lớn nhất châu Á năm ngoái. "Giờ đây, ước mơ của tôi là chạm mốc 10 tỉ USD doanh thu năm 2022", ông Tài chia sẻ.
Đường đi của doanh nghiệp không suôn sẻ. Bachhoaxanh chỉ góp 3% vào doanh số Thế Giới Di Động trong bốn tháng đầu năm 2018. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng hãng đang ở giai đoạn thử nghiệm. Mảng kinh doanh tạp hóa giảm trong quý 1/2018, khiến công ty phải đóng ba cửa hàng và hủy mở bảy cửa hàng khác. Công ty cũng giảm kế hoạch mở cửa hàng mới trong năm nay từ 1.000 xuống còn 500 chi nhánh.
Nhà phân tích Nguyễn Đức Hiếu của Viet Dragon Securities JSC ở TP.HCM cho hay: “Bachhoaxanh vẫn đang trong giai đoạn thiếu chắc chắn. Đây không phải là ngành dễ dàng vì nó đòi hỏi chuỗi cung ứng tốt, điều rất khó ở thời điểm hiện tại vì không có đủ nhà cung cấp thịt hoặc rau tươi lớn. Thị trường lớn, nhưng thực hiện không dễ dàng”.
Dù vậy, ông Tài không nản lòng. Ông từng khởi nghiệp với 30.000 USD song giờ đây đang có khoảng 53 triệu USD nếu chỉ tính số cổ phần Thế Giới Di Động mà ông sở hữu, theo Bloomberg. Khi càng giàu, ông càng ít quan tâm đến những cái bẫy của sự giàu có. Nhà đầu tư sớm vào Thế Giới Di Động là ông Chris Freund thuộc Mekong Capital từng mô tả ông Tài là doanh nhân "rất bình dân", cho hay có lần đi công tác nước ngoài, ông Tài và ba người khác ở cùng phòng.
Dù vậy với doanh nhân Việt, mặc chiếc áo thun mỗi ngày không phải là để tiết kiệm mà là để dành nhiều thời gian xây dựng đế chế tạp hóa của mình hơn. "Phải nghĩ mặc gì mỗi ngày là chuyện rất mệt mỏi. Tôi thích dành thời gian đó để nghĩ cách phát triển công ty hơn", ông Tài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.