Điện thoại gây nguy hiểm cho người dùng hơn kể từ khi iPhone xuất hiện

07/12/2019 00:00 GMT+7

Theo một nghiên cứu mới, khi điện thoại di động trở nên thông minh hơn thì chúng cũng trở nên nguy hiểm hơn với những người dùng hậu đậu hoặc phân tâm khi sử dụng.

Trước khi điện thoại phổ thông "lột xác" thành điện thoại thông minh (smartphone), chúng ít gây ra rủi ro liên quan đến các ca chấn thương mà người dùng phải đối mặt.
Theo nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí JAMA Otolaryngology-Head & Neck Surgery, ngay trong năm 2007, khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, số ca chấn thương ở đầu do điện thoại di động gây ra đã tăng đột biến. Con số này tiếp tục gia tăng trong thập kỷ qua theo từng năm. Tác giả của công trình nghiên cứu này là Boris Paskhover, một bác sĩ chuyên về phẫu thuật đầu và cổ tại Trường Đại học Y khoa New Jersey (Mỹ) cho biết “từ một công cụ giao tiếp đơn thuần, điện thoại đã trở thành một nền tảng di động đầy tham vọng”.
Trước đó, những chiếc điện thoại “cơ bản” thời bàn phím vật lý không làm người ta phân tâm nhiều đến nỗi vấp vào vỉa hè hay ngã sấp mặt. Chúng cũng không dễ tuột khỏi tay và rơi vào mặt mũi chúng ta, cũng không chứa mối nguy hiểm tiềm tàng từ trò thực tế ảo Pokémon Go như smartphone bây giờ. Chuyện ấy đã đi vào dĩ vãng, dù điện thoại giờ đây trở nên thông minh hơn và gọi là điện thoại thông minh, nhưng chúng lại khiến con người đôi khi “ngốc nghếch” tới mức mất ý thức về môi trường và không gian xung quanh họ.
Theo TheVerge, Paskhover đã lấy dữ liệu từ năm 1998 đến 2017 về các thương tích liên quan đến điện thoại di động ở đầu và cổ, thông qua cơ sở dữ liệu của Hệ thống giám sát chấn thương điện tử quốc gia Mỹ (NEISS), nơi lưu giữ thông tin về các ca chấn thương được điều trị tại khoảng 100 bệnh viện ở Mỹ. Sau đó nhóm nghiên cứu sử dụng các thông tin này để ước tính tổng số thương tích liên quan đến điện thoại di động trên toàn nước Mỹ.
Theo dữ liệu này, trong khoảng thời gian trên, có 2.501 ca chấn thương liên quan đến điện thoại được ghi nhận ở 100 bệnh viện, từ đó các tác giả ước tính có khoảng 76.000 ca chấn thương trên toàn nước Mỹ liên quan đến điện thoại trong cùng mốc thời gian. Trong đó, có khoảng 40% ca chấn thương là của những người ở độ tuổi từ 13 đến 29, phổ biến nhất là các vết cắt sâu.
Chấn thương do điện thoại rơi vào một trong hai loại với số lượng tương đương nhau: Chấn thương cơ học trực tiếp (ví dụ làm rơi điện thoại trên mặt hoặc đánh người khác bằng… điện thoại) và chấn thương liên quan đến sử dụng điện thoại lơ đễnh, chẳng hạn như vừa đi vừa cúi mặt vào điện thoại lướt Facebook và vấp ngã trên vỉa hè. Các trẻ dưới 13 tuổi bị thương bởi nguyên nhân đầu tiên (chấn thương trực tiếp) hơn, chiếm tới 82%. Trong khi những người lớn trên 50 tuổi có xu hướng dễ bị chấn thương do liên quan đến việc sử dụng điện thoại hơn là gây ra bởi nguyên nhân chấn thương trực tiếp như ở trẻ em.
Trong công trình nghiên cứu của mình, Paskhover chú trọng vào các thương tích liên quan đến sử dụng thiết bị. Hầu hết các chấn thương ở tình huống này đều xảy ra khi mọi người bị phân tâm: Có thể là do vừa lái xe vừa nhắn tin, vừa đi bộ vừa xem điện thoại, mải chơi Pokémon Go mà quên mất không gian thực tại. Rõ ràng sự bùng nổ của điện thoại thông minh đã giúp con người mở rộng tiện ích và công năng của chúng, nhưng cũng vì thế khiến họ dễ bị phân tâm và đánh mất nhiều thứ vào màn hình hơn, trong đó có thời gian và những ca chấn thương “trời ơi đất hỡi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.