Đã đến lúc ngừng 'xem thường' đồ họa tích hợp của Intel

08/08/2019 16:41 GMT+7

Sau sự xuất hiện của các CPU Ice Lake thế hệ thứ 10 của Intel với hiệu năng đồ họa ấn tượng, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải ngừng "đùa cợt" về đồ họa tích hợp (IGP) của Intel.

Thế hệ CPU mới của Intel có tên mã Ice Lake và dùng tiến trình 10nmm vừa được công bố cách đây không lâu, cuối cùng thì Intel cũng đã bắt nhịp được với đồ họa tích hợp khi đạt được mức độ cải tiến đáng kể trong thế hệ vi xử lý này. Tuy còn lâu mới sánh ngang với các card đồ họa rời chuyên nghiệp của Nvidia và AMD, nhưng nếu bạn so sánh với các card đồ họa tích hợp của chính Intel ở các dòng CPU trước đó thì sẽ nhận ra sự đột phá này.
Để tiện so sánh, trang PCWorld của Mỹ đã dùng dữ liệu lưu trữ trong thư viện của họ được lưu từ các bài đánh giá trước đó với các dòng laptop dùng CPU Intel thế hệ cũ, thể hiện qua điểm số của ứng dụng benchmark 3DMark Sky Diver. Bao gồm các CPU dòng U thế hệ thứ 4 (tên mã Haswell năm 2013) với đồ họa Intel HD 4400, Intel HD 5200 thế hệ thứ 5 (tên mã Broadwell) và cả chip đồ họa Iris 540 khá hiếm trên CPU Intel Skylake dòng U thế hệ thứ 6 (2015). Trong đó có cả các biến thể HD và Core M của dòng Cherry Trail dùng cho các laptop hoặc tablet mỏng nhẹ vốn tiêu hao ít năng lượng.
Kết quả so sánh này sẽ không thể phản ánh chính xác tuyệt đối, vì hiệu suất đồ họa còn thay đổi dựa theo sự tối ưu của driver (trình điều khiển), BIOS và phiên bản hệ điều hành (Windows) cũng như khả năng tản nhiệt của từng thiết bị.

Xếp theo thứ tự so sánh đồ họa tích hợp của Intel từ trái qua phải: HD 4000, HD5500, HD 520, Iris 540, HD620, UHD 620 (Kapy Lake), UHD 620 (Whiskey Lake) và G7 (Core-i7 1065G7, Ice Lake)

Ảnh: PCWorld

Ở biểu đồ trên, đã có một bước nhảy vọt về hiệu suất đồ họa nếu so sánh chip đồ họa tích hợp của Intel năm 2019 và năm 2013, nhưng điểm sáng và mang tính nhảy vọt nằm ở cột mốc 2019. Trước đó, biểu đồ hiệu năng chip đồ họa tích hợp của Intel gần như không có nhiều cải thiện theo từng năm.
Ở đây, 3DMark Sky Diver là bản thử nghiệm cho thư viện đồ họa DirectX 11 được thiết kế cho máy tính để bàn (PC) và máy tính xách tay (laptop) chơi game tầm trung. Theo khuyến cáo của 3Dmark, bạn nên bám sát các phép đo của ứng dụng này, trừ khi card đồ họa của bạn vượt qua mốc 12.000 điểm giới hạn của ứng dụng.
Theo đó, thử nghiệm chạy ở độ phân giải 1.920x1.080 với đồ họa tích hợp có sẵn 1 GB vRAM (bộ nhớ dành riêng cho card đồ họa), các chi tiết đồ họa được tải ở mức trung bình trong cả hai thử nghiệm được thực hiện. Kết quả cho thấy đồ họa tích hợp có sẵn trong CPU của Intel thế hệ thứ 10 thực sự ấn tượng và vượt xa so với thế hệ cũ. Đó cũng là lý do để chúng ta nghiêm túc hơn khi nói về đồ họa tích hợp của Intel, nhất là khi bạn biết rằng họ đang có ý định nhảy sang cả mảng card đồ họa rời vốn đang là sân chơi độc quyền của AMD và Nvidia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.