Cựu Thủ tướng Úc giải thích lý do cấm Huawei, ZTE

Thu Thảo
Thu Thảo
28/03/2019 15:33 GMT+7

Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull mới đây trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ CNBC về quyết định cấm hẳn Huawei Technologies và ZTE tham gia xây dựng thế hệ mạng di động kế tiếp 5G.

Theo ông Turnbull, chính phủ Úc từng cố gắng hết sức để hàng Huawei và ZTE sử dụng được trong 5G, song họ vẫn không thể giảm thiểu rủi ro mà hai nhà thiết bị viễn thông Trung Quốc đặt ra. Tháng 8.2018, Úc cấm Huawei và ZTE bán thiết bị 5G tại nước này vì lo ngại an ninh quốc gia. Cùng tháng, Turnbull rời vị trí thủ tướng.
Hôm nay 28.3, ông Turnbull cho hay quyết định cấm hai hãng Trung Quốc của Úc dựa trên nhu cầu phòng ngừa rủi ro tương lai. Trong mạng 5G, phần mềm được nhấn mạnh hơn là phần cứng. Điều này có nghĩa là các nhà cung ứng thiết bị, hoặc thậm chí là bên thứ ba độc hại có thể truy cập, có khả năng quan sát rất rõ những gì diễn ra trong mạng, chẳng hạn như theo dõi chuyển dữ liệu, theo dõi vị trí người dùng điện thoại di động và nghe lén các cuộc hội thoại.
“Giờ đây, đơn vị cung cấp, duy trì và truy cập vào thiết bị có khả năng rất lớn nếu họ chọn làm thế để gây bất lợi cho bạn. Không ai nói rằng Huawei sẽ làm thế. Tôi không nói thế. Tôi rất ngưỡng mộ doanh nghiệp, song khả năng là thứ cần thời gian dài để vào đúng chỗ. Ý định có thể được thay đổi trong tích tắc. Vì vậy, bạn phải phòng ngừa và tính đến rủi ro có thể thay đổi trong những năm tới”, ông Turnbull nói, nhắc đến các hãng bán thiết bị 5G cần thiết để xây dựng mạng di động tốc độ cực nhanh.
Dù Huawei đạt thành công lớn trên con đường tiến đến 5G, công ty vẫn đối mặt không ít lo ngại về mối quan hệ giữa hãng với gián điệp Trung Quốc. Ngoài Úc, New Zealand, Nhật Bản cũng chặn Huawei phát triển 5G quốc gia. Liên minh châu Âu (EU) đến nay vẫn “ngó lơ” các cuộc gọi cấm Huawei trên toàn khối từ Mỹ. Thay vào đó, họ yêu cầu các nước thành viên chia sẻ dữ liệu về rủi ro an ninh mạng 5G và đưa ra biện pháp để giải quyết.
Nhiều hãng viễn thông lên tiếng chống lệnh cấm Huawei tham gia 5G. Một số hãng cho rằng điều này sẽ làm chậm quá trình triển khai công nghệ. Về phần mình, Huawei liên tiếp lên tiếng bác bỏ lo ngại. Ông Turnbull cho rằng tình hình hiện thời là dấu hiệu cho sự thất bại đáng kể giữa các nước phương Tây.
“Nếu bạn là AT&T và Verizon, bạn có bốn nhà cung ứng tiềm năng: Hai hãng Trung Quốc, và hai hãng Bắc Âu. Vì thế, những gì Mỹ và các đồng minh thân cận của chúng tôi làm là đảm bảo rằng chúng tôi có lựa chọn thay thế về nhà cung cấp, hãng có mức độ an ninh mà chúng tôi có thể dựa vào 100%”, ông Turnbull kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.