Cư dân mạng tranh cãi về dịch vụ 'gọi taxi miễn phí cho bợm nhậu'

16/07/2015 11:40 GMT+7

(TNO) Sau khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ký kết với một công ty taxi thí điểm mô hình 'Nhà hàng an toàn giao thông - lái xe văn minh, trách nhiệm' vào hôm 14.7, cộng đồng mạng đã đưa ra nhiều ý kiến phản hồi.

(TNO) Sau khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ký kết với một công ty taxi thí điểm mô hình 'Nhà hàng an toàn giao thông - lái xe văn minh, trách nhiệm' giai đoạn 2015-2018 vào hôm 14.7, cộng đồng mạng đã đưa ra nhiều ý kiến phản hồi.

Nên tăng giá rượu bia để tránh việc lạm dụng rượu bia cũng như kinh tế hóa mô hình mới? - Ảnh: Hạ Huy
Theo văn bản ký kết, Đà Nẵng sẽ là địa phương được chọn thực hiện trong gian đoạn 1 (từ tháng 7.2015 đến tháng 7.2016), trước khi giai đoạn tiếp theo được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM.
Theo đó, các nhà hàng tham gia vào chương trình này sẽ cam kết việc nhắc nhở khách hàng không nên điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng rượu bia. Khách hàng cũng được cung cấp dịch vụ trông giữ xe qua đêm bảo đảm tài sản cá nhân và được hỗ trợ gọi dịch vụ taxi miễn phí thông qua ứng dụng GrabTaxi để về nhà.
Một số người ủng hộ chương trình cho rằng mục tiêu này nhằm hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe” khá tốt, vì nó có thể giúp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do người uống rượu gây ra. Đặc biệt khi mới đây, một tai nạn nghiêm trọng trên cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) đã làm 3 người chết và 1 người bị thương, mà nguyên nhân do tài xế có nồng độ cồn vượt quá tiêu chuẩn điều khiển xe gây tai nạn.
Trên Facebook, fanpage Đà Nẵng nhận được một số nhận xét từ cộng đồng mạng tại thành phố về chủ đề áp dụng thí điểm đầu tiên tại đây. Nội dung chia sẻ “Đà Nẵng đúng là thành phố nhậu. Xỉn có taxi đưa về nữa chớ! Miễn phí luôn!” đã nhận được rất nhiều lượt thích và nhận xét, trong đó nhiều người hồ hởi rằng “Đến Đà Nẵng giờ có thể tha hồ nhậu… tới bến, không say không về”.
Tuy nhiên, do văn bản không nêu rõ, nên một số người đã đưa ra thắc mắc về chính sách “gọi taxi miễn phí” của chương trình. Bạn đọc @minhhungvtdn quan ngại “Quán cóc ven đường mà áp dụng mô hình này chắc đi ăn xin. Nhậu quán chân gà nướng hết 300.000 đồng, đi taxi về đến nhà hết 200.000 đồng, nếu taxi miễn phí thì nhà hàng còn đâu mà lời?”, trong khi tài khoản trên Facebook Heaven Chen cho rằng cần phân biệt rõ giữa “Gọi dịch vụ taxi miễn phí” với “Gọi miễn phí dịch vụ taxi”.
Theo nhiều cư dân mạng hoạt động miễn phí chỉ áp dụng cho việc gọi taxi và trông xe qua đêm cho khách (đã say về bằng taxi), còn chi phí taxi bao nhiêu khách hàng tự trả. Tài khoản FacebookTrần Đặng Minh Khoa thì khẳng định “Miễn phí cuộc gọi đặt chỗ taxi, về tới nhà vẫn trả tiền taxi…”.
Bên cạnh đó, một số cư dân mạng cũng tỏ ra nghi vấn về tính khả thi của chương trình. Cư dân mạng tên Nguyễn cho rằng “Tính khả thi e là rất thấp. Khéo rồi lại như chuyện cấm hút thuốc lá nơi công cộng ở Việt Nam mình!”, còn bạn Tuấn Cường Nguyễn nhận xét: “Vấn đề là có lái xe taxi nào chịu qua bốc mấy ông say về nhà hay không? chẳng ai dại gì dây vào mấy ông không kiểm soát được hành vi, lại còn nôn ói ra đầy xe ô tô nữa”.
Dù thế nào đi chăng nữa, chương trình thí điểm này sẽ giải quyết được nhiều vấn nạn liên quan đến người điều khiển xe có nồng độ cồn. Bạn đọc Binh chia sẻ “Cùng một đề xuất, một người luôn nhìn vào khía cạnh tiêu cực, một người luôn nhìn vào khía cạnh tích cực, những người nhìn về phía tích cực sẽ thành công”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.