Cách theo dõi tình hình giao thông ở TP.HCM trực tiếp qua điện thoại

09/03/2020 15:45 GMT+7

Trong thời gian qua, một số người dân TP.HCM đã bắt đầu theo dõi tình hình giao thông qua ứng dụng điện thoại để tránh kẹt xe giờ cao điểm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết các ứng dụng này và cách sử dụng nó.

Hiện trên kho ứng dụng Google Play có 2 ứng dụng có thể giúp bạn theo dõi tình hình giao thông tại khu vực TP.HCM qua camera trực tiếp có tên là TTGT Tp Hồ Chí Minh (FPT Technology Solutions) và Camera Giao Thông Sài Gòn (Army Dev), hai ứng dụng này có nhiều điểm tương đồng do trích xuất cùng một nguồn tài nguyên camera giao thông của thành phố.
Tuy hiên, ứng dụng của FPT phát triển cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM mang tính chính thức, có nhiều tính năng và giao diện trực quan hơn, nên trong phạm vi bài viết này chúng ta sẽ cùng đi một vòng ứng dụng này để xem liệu nó có thể giúp bạn gì trong việc theo dõi tình hình giao thông hằng ngày.
Lưu ý, hiện mật độ và phạm vi lắp đặt camera vẫn còn hạn chế nên việc sử dụng các ứng dụng này vẫn chưa hữu ích ở các quận ngoại thành như quận 6, Bình Tân, 12... dù biết rằng các nút kẹt xe lớn trong giờ cao điểm vẫn chủ yếu nằm trong trung tâm thành phố - nơi mật độ giao thông cao.
Để sử dụng, bạn có thể dùng thiết bị Android như smartphone hoặc tablet mở kho ứng dụng Google Play và tìm kiếm theo từ khóa “TTGT HCM”, lúc này ứng dụng “TTGT Tp Hồ Chí Minh” sẽ nằm ở phần đầu trong danh sách liệt kê các kết quả tìm kiếm. Bạn có thể cài đặt nó miễn phí và sử dụng cho nhu cầu theo dõi tình hình giao thông hằng ngày của mình ở khu vực TP.HCM.

Ứng dụng TTGT Tp Hồ Chí Minh của Sở Giao thông vận tải TP.HCM do FPT Technology Solution cung cấp

Ảnh chụp màn hình

Ứng dụng có nhiều chuyên mục (tính năng) hữu ích, trong đó có 3 mục dưới đây cần thiết cho bạn tham khảo khi lưu thông hằng ngày trong địa bàn thành phố, bao gồm:
Bản đồ: Cung cấp bản đồ ở khu vực TP.HCM kèm thông tin các tuyến đường đang trong tình trạng ùn ứ (biểu thị bằng đường màu đỏ). Mục này cũng cho phép bạn xác định vị trí của mình hoặc tìm kiếm các vị trí trong thành phố để tham khảo tình hình giao thông hoặc đường đi dưới dạng bản đồ 2D. Ngoài ra, bản đồ này còn có các tab cho phép bạn tìm kiếm các tiện ích như nhà vệ sinh công cộng, trạm xăng, điểm y tế hoặc các biển báo tốc độ trong khu vực.
Camera: Đây là công cụ được nhiều người quan tâm, công cụ này cho phép bạn xem các camera trong khu vực hoặc tìm kiếm các camera đặt ở các điểm giao thông trong thành phố để quan sát tình hình giao thông trực tiếp. Tuy nhiên, do giới hạn kỹ thuật nên hiện mới chỉ cho phép bạn xem trực tiếp từng khung hình trong mỗi 18 giây chứ không cho phép xem livestream liên tục. Dù vậy, các hình ảnh này có thể vẫn đủ cho bạn tham khảo và đánh giá tình hình giao thông ở xung quanh vị trí lắp đặt camera quan sát.

Ứng dụng TTGT Tp Hồ Chí Minh cho phép bạn theo dõi các tuyến kẹt xe và camera trực tiếp ở các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố

Ảnh chụp màn hình ứng dụng

Điều thú vị là ứng dụng này còn chỉ rõ hướng bao phủ của camera ngay trên biểu tượng ở bản đồ, nó cũng có mục thống kê sẵn các camera ở gần vị trí hiện tại của bạn và mục “quan tâm” để lưu lại những camera mà bạn thường xuyên có nhu cầu tham khảo. Ngoài ra, mục này còn cho phép bạn tìm kiếm vị trí camera dựa theo 11 khu vực được gom sẵn trong mục “khu vực” để tiện tìm kiếm như khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, cầu Phú Mỹ...
Dựa trên các thông tin giao thông từ mục bản đồ và hình ảnh camera từ mục này, bạn có thể chọn tuyến giao thông phù hợp cho lộ trình của mình.
Cảnh báo: Đây là một mục hữu ích khác cho phép bạn tìm kiếm thông tin về các cảnh báo giao thông bao gồm các nút kẹt xe, các vụ tai nạn, các điểm ngập úng và các cảnh báo khác trong địa bàn thành phố. Ở phần “xung quanh” trong mục này cũng sẽ hiển thị các cảnh báo ở khu vực quanh vị trí của bạn, nếu không có gì bất thường nó sẽ thông báo rằng “Giao thông thuận lợi” để bạn an tâm lưu thông.

Các mục khác như Phản ánh, Tin tức, Tra cứu phạt nguội... cũng cung cấp nhiều thông tin hữu ích

Ảnh chụp màn hình ứng dụng

Ngoài các chuyên mục chính kể trên, ứng dụng còn có các tính năng (chuyên mục) hữu ích khác liên quan tới tình hình giao thông trên địa bàn mà bạn có thể lướt qua để tham khảo. Cụ thể, các mục này bao gồm:
Phản ánh: Đây là mục “nhộn nhịp” nhất trong ứng dụng khi tiếp nhận các phản ánh về tình hình giao thông trên địa bàn thành phố cùng tình trạng xử lý. Tuy nhiên, ở các góp ý đã được xử lý, chủ yếu phần trả lời chỉ vỏn vẹn vài dòng “cám ơn bạn đã nêu thông tin” mà không ghi rõ hiện góp ý đó đã và đang được xử lý như thế nào. Tuy vậy, nó hữu ích trong việc cung cấp các thông tin về đề xuất, phản ánh những hư hại hoặc sự cố liên quan đến giao thông và các công trình giao thông trong thành phố, bạn có thể đăng góp ý của mình ở mục này.
Tin tức: Để chủ động chọn tuyến giao thông hằng ngày, bạn nên theo dõi các thông tin giao thông ở mục này. Trong đó, hầu hết các thông tin tập trung vào tình hình tổ chức phân luồng, các hạn chế giao thông hoặc các tuyến đường đang thi công trong thành phố.
Tra cứu: Đây là một mục cởi mở cho phép bạn tra cứu các công trình giao thông trong thành phố do đơn vị nào xây dựng và giấy phép công trình, giấy phép lưu thông, tra cứu lỗi phạt nguội dựa theo biển số xe, tra cứu phù hiệu, tra cứu giấy phép kinh doanh vận tải và thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe.
Tính nồng độ cồn: Đây là mục “hợp thời” sau nghị định mới của chính phủ về quy định sử dụng rượu bia khi lưu thông trên đường. Mục này cung cấp công cụ cho phép bạn tính mức nồng độ cồn cho phép dựa theo cân nặng, giới tính của người uống rượu bia và thể tích tiêu thụ.
Nhìn chung, đây là một ứng dụng hữu ích của Sở Giao thông vận tải TP.HCM và cần nhân rộng ra các tỉnh thành lớn của cả nước, nhưng điều nhiều người quan tâm là cần cập nhật liên tục, duy trì vận hành và cung cấp các thông tin xuyên suốt chứ không chỉ “nổi lên” một thời gian rồi rơi vào tình trạng “bỏ hoang” như nhiều ứng dụng dịch vụ công khác.
Ngoài ra, một số tính năng của ứng dụng này vẫn cần cải thiện, đặc biệt là mật độ lắp đặt camera giao thông vẫn còn thấp, mới chủ yếu tập trung ở các khu vực trung tâm nên việc tham khảo còn hạn chế, chưa kể thời gian load khung hình chưa cao (18 giây) so với nhu cầu tham khảo nhanh khi lưu thông dọc đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.