Các ông lớn công nghệ Trung Quốc đang cố sức tránh bị 'gọi tên'

11/07/2021 19:14 GMT+7

Thay vì giới thiệu các sản phẩm mới , Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Thế giới năm nay lại thành nơi để các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc thể hiện sự nhiệt tình đối với chính phủ.

Theo truyền thống, Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Thế giới là sân khấu để các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc tiết lộ những tiến bộ mới nhất trong ngành. Tuy nhiên, năm nay các ông lớn công nghệ đại lục dường như đã chuyển hướng sang việc thể hiện cam kết đóng góp của họ cho xã hội và chính phủ.
Sự thay đổi giọng điệu rõ rệt tại hội nghị thường niên ở Thượng Hải đã phản ánh áp lực pháp lý mà Bắc Kinh đã đặt lên ngành công nghệ trong nước, đồng thời ngầm cho thấy mong muốn được nằm ngoài phạm vi đàn áp của các công ty. Nó cũng báo hiệu rằng chính phủ, chứ không phải ngành công nghệ, đang có ưu thế hơn.
Theo Nikkei, Giám đốc điều hành Baidu Robin Li trong bài phát biểu quan trọng hôm 8.7 nói rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giải quyết các vấn đề xã hội, chẳng hạn như cung cấp phương tiện đi lại và chăm sóc người già. Baidu cũng có kế hoạch đưa dịch vụ gọi xe robotaxi của mình đến 30 thành phố trên khắp đại lục trong 2-3 năm tới. Trong khi đó, Tencent Holdings cam kết “sẽ đẩy nhanh nỗ lực nghiên cứu không gian cùng với chính phủ”. Trong bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị, Giám đốc điều hành Tencent Pony Ma thông báo công ty sẽ khởi động “kế hoạch khám phá các vì sao” với các Đài quan sát Thiên văn Quốc gia.
Nikkei cho biết một số giám đốc điều hành công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc đã vắng mặt tại sự kiện. Năm ngoái, Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã tham dự trực tuyến từ xa. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang có bài phát biểu tại chỗ. Giám đốc điều hành Didi Chuxing Cheng Wei cũng có mặt. Tuy nhiên, cả ba đều không tham dự hội nghị năm nay.

Trung Quốc cấm ứng dụng gọi xe lớn nhất nước Didi

Những tháng gần đây, Alibaba và Didi đều trở thành mục tiêu chính trong cuộc đàn áp ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra đối với Didi hồi tuần trước và ra lệnh gỡ ứng dụng gọi xe của công ty ra khỏi các cửa hàng ứng dụng trong nước. Quyết định này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Didi thực hiện IPO ở Mỹ. Trong khi đó, Alibaba và đơn vị tài chính Ant Group đã phải đối mặt với áp lực tái cấu trúc hoạt động kinh doanh kể từ năm ngoái. Cả Jack Ma và Cheng Wei, hai trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất của Trung Quốc, đã nhanh chóng mất đi vị thế của mình vì cuộc đàn áp.
Hiện các nhà chức trách Trung Quốc không có dấu hiệu từ bỏ lĩnh vực công nghệ. Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường và các cơ quan chức năng khác hôm 8.9 đã công bố quy định mới về đánh giá cạnh tranh công bằng, ngăn chặn hành vi độc quyền. Sự thay đổi này được cho là sẽ gia tăng áp lực lên các công ty công nghệ trong nước.
Chất bán dẫn là một chủ đề nóng khác, phản ánh việc Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy các chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc chống lại nỗ lực cô lập từ phía Mỹ. Theo sáng kiến “Made in China 2025”, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tự cung cấp chất bán dẫn lên 70% so với ước tính hiện tại là dưới 20%. Trong đó, mối quan tâm đặc biệt là các loại chip tiên tiến có giá trị gia tăng cao, một lĩnh vực mà Trung Quốc đang đi sau các quốc gia phát triển khác, mặc dù nước này sản xuất 24% tổng số lượng chất bán dẫn của thế giới.
Theo Nikkei, Chen Tianshi, Giám đốc điều hành của Cambricon Technologies thông báo trong hội nghị rằng công ty ông đã bắt đầu phát triển chip 7 nanomet cho công nghệ tự lái. Cambricon là nhà sản xuất chip cho AI quan trọng trong các dịch vụ đám mây do Alibaba và các hãng công nghệ khác vận hành. Công ty này cũng chịu trách nhiệm về công nghệ chip tiên tiến được sử dụng trong điện thoại thông minh của Huawei Technologies.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.