Các nhà sản xuất điện tử rục rịch dời sang Đông Nam Á

Thu Thảo
Thu Thảo
01/08/2018 18:42 GMT+7

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến việc sản xuất thiết bị tại Đại lục kém hấp dẫn hơn, các nhà sản xuất điện tử đang chuẩn bị dời thêm hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á.

Theo Bloomberg, một số doanh nghiệp Đài Loan, các hãng tạo thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, gần đây phát tín hiệu đa dạng hóa sản xuất ra khỏi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Delta Electronics, hãng cung cấp linh kiện cho Apple, hôm 31.7 cho hay họ đang chào mua một chi nhánh ở Thái Lan với giá 2,14 tỉ USD, tiền đề để mở rộng sản xuất tại xứ sở chùa vàng. Merry Electronics, hãng sản xuất tai nghe cho các thương hiệu như Bose, cho biết họ có thể chuyển một phần sản xuất từ miền nam Trung Quốc đến Thái Lan, tùy thuộc vào chuyện xung đột thương mại diễn biến ra sao.
Đài Loan có một số nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới, trong đó có hãng lắp ráp iPhone Foxconn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất điện tử cho thương hiệu tên tuổi rời khỏi Trung Quốc vì lương bổng ở nước này tăng cao, và xu hướng mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng tiến. New Kinpo Group, hãng sản xuất mọi thứ từ phần cứng máy tính đến máy mát-xa mặt ở Thái Lan và Philippines, cho biết trong tháng này rằng động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump đang giúp dịch vụ của hãng hút hàng hơn.
“Các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc trong quá khứ vì chi phí lao động thấp, song khi tiền lương ở Trung Quốc lên cao, một số bắt đầu di cư sang Đông Nam Á. Thuế quan của Tổng thống Trump đang giúp giới doanh nghiệp Đài Loan có thêm động lực để chuyển sang Đông Nam Á”, nhà kinh tế Tsai Ming-fang thuộc Đại học Tamkang ở Đài Bắc cho hay.
Số liệu đang thể hiện xu hướng dịch chuyển. Đài Loan chấp thuận 4,2 tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm, giảm 4,5%. Trong khi đó, đầu tư vào Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia tăng vọt cùng kỳ.
Phần lớn phụ thuộc vào chuyện liệu ông Trump có thực hiện những lời đe dọa về việc áp thuế quan lên thêm 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, và sau đó có thể là toàn bộ hàng nhập khẩu từ đất nước châu Á hay không. Song hiện tại, dàn giám đốc doanh nghiệp đã rục rịch khởi động.
“Có nhiều bất ổn trong địa chính trị và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã bắt đầu. Delta, với việc mua lại này, có thể tăng thêm cơ sở sản xuất, giảm rủi ro xuất phát từ chiến tranh thương mại, tăng cường mạng lưới bán hàng và tiếp cận khách hàng”, phát ngôn viên Jesse Chou và chủ tịch hãng Delta, ông Yancey Hai, cho hay.
Xu hướng này được giám đốc hãng Merry, ông Allen Huang, nhắc lại trong hội nghị báo cáo doanh thu hôm 30.7: “Nếu thuế quan của Tổng thống Trump tác động lên tai nghe, nó sẽ ảnh hưởng lên xuất khẩu đến Mỹ. Các khách hàng của chúng tôi sẽ kỳ vọng rằng chúng tôi có thể cắt giảm chi phí, và sản xuất tại nhiều địa điểm không bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Khi các đối thủ của doanh nghiệp đều có nhà máy ở Trung Quốc, chúng tôi có lợi thế nhờ các cơ sở ở Thái Lan. Chúng tôi đang chuẩn bị chuyển bán thành phẩm từ Trung Quốc sang Thái Lan, và hoàn thiện sản phẩm tại đây nếu bị vướng thuế quan”, ông Huang cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.