Các hãng điện thoại Android gặp khó khi chạy theo công nghệ của Apple

24/03/2018 14:22 GMT+7

Chỉ cần Apple tích hợp công nghệ mới vào thiết bị của mình, dù không phải do hãng sáng chế ra hay đi đầu, thì hàng loạt nhà sản xuất điện thoại Android sẽ đua nhau bắt chước nhanh nhất có thể.

Theo BGR, những năm trở lại đây có một trào lưu trong ngành công nghiệp điện thoại đang xuất hiện ngày càng rõ ràng. Dù Apple có phải là người nghĩ ra một công nghệ tiên tiến nào không, chỉ cần hãng tích hợp công nghệ đó vào thiết bị của mình thì hàng loạt nhà sản xuất điện thoại Android sẽ đua nhau bắt chước nhanh nhất có thể. Có hàng tá ví dụ cho việc này, trong bài viết này sẽ đề cập tới hai ví dụ.
Năm 2013, Apple cho ra mắt iPhone 5S, mẫu iPhone đầu tiên tích hợp công nghệ quét vân tay Touch ID. Apple không phải đơn vị đầu tiên sử dụng công nghệ này. Cả Motorola và HTC đều đã đưa máy quét vân tay vào thiết bị của mình trước đó, nhưng không nhận được sự quan tâm của các đối thủ cạnh tranh. Khi Apple cho ra đời Touch ID, tất cả các nhà sản xuất điện thoại trên thế giới đều chạy đua đưa cảm biến vân tay vào điện thoại của mình. Ngày nay, việc tìm thấy một chiếc điện thoại Android không có công nghệ xác thực sinh trắc không đơn giản
Một ví dụ khác của việc điện thoại Android chơi trò “bắt chước Apple” chính là vùng khuyết (notch) được Apple giới thiệu trên “con cưng” iPhone X.
Tháng 8.2017, một công ty khởi nghiệp về smartphone có tên là Essential giới thiệu chiếc điện thoại đầu tiên của mình. Mẫu điện thoại này có thiết kế toàn màn hình và một vùng khuyết nhỏ trên màn hình chứa camera trước. Khá ít người tiêu dùng mua mẫu điện thoại này, và cũng không có nhà sản xuất điện thoại Android nào để tâm đến thiết kế đó.
Một tháng sau, Apple cho ra mắt iPhone X với một vùng khuyết trên đỉnh màn hình. Không lâu sau đó, các công ty sản xuất Android, từ những công ty không ai biết tên tới những gã khổng lồ như LG và Huawei, đều sử dụng thiết kế “tai thỏ” của iPhone X cho sản phẩm của mình, nhưng không công ty nào có thể làm cho vùng khuyết của mình tốt như Apple.
Lý do thứ nhất để Apple sử dụng “tai thỏ” là để giữ sự đồng nhất cho thiết kế toàn màn hình của mình. Nhưng hầu hết những “kẻ bắt chước” vẫn giữ mép dưới của điện thoại do không công ty nào có khả năng cũng như tài chính để sản xuất màn hình có thiết kế và chất lượng ảnh hoàn hảo như của iPhone X.
Mục đích sử dụng vùng khuyết của Apple là để chứa công nghệ TrueDepth tiên tiến và cụm cảm biến, cho phép tính năng nhận diện khuôn mặt Face ID hoạt động hiệu quả nhất. Hiện nay trên thị trường không có một chiếc điện thoại Android nào có công nghệ nhận diện khuôn mặt tiên tiến như của Apple, và theo một báo cáo mới đây của Reuters thì tình hình này sẽ còn kéo dài ít nhất là đến hết năm sau.
Nhận nhiều cười chê khi ra mắt vì “tai thỏ”, nhưng nay nhiều mẫu điện thoại Android lại đang sao chép đặc điểm này của iPhone X Ảnh: Anh Quân
Không phải là các hãng sản xuất điện thoại Android không muốn, lúc nào họ cũng muốn, mà là họ không thể sao chép được công nghệ này của Apple.
Ba công ty sản xuất linh kiện lớn trong bài phỏng vấn với Reuters mới đây cho biết phần lớn điện thoại Android sẽ phải đợi tới năm 2019 để có thể sao chép cảm biến 3D, công nghệ cho phép tính năng Face ID hoạt động, cản trở Samsung và các hãng khác sử dụng công nghệ đáng giá hàng tỉ đô trong vài năm tới này.
Theo Viavi Solutions Inc, Finisar Corp và Ams AG, sự thắt chặt trong sản xuất các chi tiết quan trọng sẽ khiến cho việc sản xuất hàng loạt cảm biến 3D sẽ không diễn ra cho tới năm sau, không được như những kỳ vọng ban đầu. Điều này có nghĩa là các công ty Trung Quốc như Huawei hay Xiaomi sẽ bị Apple bỏ xa ít nhất là hai năm. Cụ thể là, các hãng sản xuất điện thoại Android đang chật vật tìm nhà sản xuất cho các chi tiết cốt lõi của công nghệ Face ID.
Khả năng làm chủ chuỗi cung ứng của Apple không còn được như xưa, khi các đơn đặt hàng online cho AirPods bị chậm tới hơn một tuần, hàng loạt sản phẩm khác, bao gồm cả loa HomePod được ra mắt tháng trước, cũng bị trì hoãn. Nhưng trong trường hợp của Face ID, Apple đã tìm ra cách khóa chặt nguồn cung cho các chi tiết quan trọng, giúp công ty này bỏ xa các đối thủ Android cạnh tranh trong một cuộc đua quan trọng, không chỉ là sản xuất điện thoại, mà còn là rất nhiều thiết bị điện tử khác nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.