Các hãng công nghệ Mỹ ra sao trước thuế cao áp lên Trung Quốc, Mexico?

Thu Thảo
Thu Thảo
03/06/2019 11:31 GMT+7

Bloomberg nhận định cam kết áp thuế quan lên hàng sản xuất tại Mexico của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là đòn giáng mạnh vào các hãng công nghệ phần cứng vốn đã gặp khó vì thương chiến Mỹ - Trung.

Dell Technologies, HP và Hewlett Packard Enterprise là ba trong số các hãng công nghệ Mỹ sản xuất sản phẩm tại Mexico. Máy tính và máy in mà họ nhập từ Mexico đến Mỹ sẽ gánh thuế quan 5% bắt đầu từ ngày 10.6, theo sắc lệnh mới của ông Trump. Nhà Trắng tuần trước cho hay thuế quan có thể lên đến 25% trong tháng 10 nếu Mexico không ngăn dòng người di cư và xin tị nạn tại biên giới phía nam nước Mỹ.
Mỹ nhập khẩu 25 tỉ USD giá trị máy tính và 2,5 tỉ USD giá trị phụ kiện máy tính từ Mexico trong năm 2018. Các doanh nghiệp phần cứng lớn phụ thuộc ngày càng nhiều vào sản xuất tại Mexico trong hai thập niên qua nhờ tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Gần đây, họ còn bị buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng để phù hợp với thuế quan áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Với Dell, Mexico từng là nơi an toàn để thoát tác động tệ nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Vài tháng qua, công ty có trụ sở ở Texas tái phân bổ một số hoạt động sản xuất máy tính để bàn từ Trung Quốc sang Mexico để tránh thuế quan cao. Công ty cũng sản xuất máy chủ ở đất nước Mỹ Latinh. Giờ đây, họ lại phải nghĩ cách khác để đối phó với thuế áp lên hàng nhập từ Mexico.
“Chúng tôi là những người tin tưởng vào tự do thương mại. Nếu thuế quan được thông qua, có khả năng chúng tôi phải tăng giá. Tin tốt là chúng tôi có chuỗi cung ứng toàn cầu, linh hoạt với hơn 25 cơ sở sản xuất. Đây là lợi thế giúp chúng tôi xoay chuyển nhanh, giảm thiểu tác động lên khách hàng theo cách tốt nhất có thể”, phát ngôn viên Steve Gilmore của Dell cho biết.
HP sản xuất một số máy tính cá nhân và máy in ở Mexico. Công ty cho biết chuỗi cung ứng toàn cầu “đa dạng” của họ giúp giảm rủi ro về thuế quan. “Chúng tôi có cùng lo ngại rằng thuế quan đẩy người tiêu dùng lên hàng đầu giữa cuộc chiến thương mại vì nó làm tăng chi phí hàng điện tử. Chúng tôi tích cực theo dõi tình hình và hợp tác với chính quyền Mỹ để ủng hộ lợi ích tốt nhất của khách hàng cùng đối tác”, phát ngôn viên HP cho hay.
Một chiếc iPhone với chip từ Skyworks, Qualcomm Ảnh: Reuters
Hewlett Packard Enterprise, hãng làm máy chủ tách ra từ HP hồi năm 2015, cũng đang tìm cách lách thuế quan nhập khẩu cao mà Mỹ áp đặt. Thuế áp lên hàng nhập từ Mexico sẽ có tác động tệ hơn đến Hewlett Packard Enterprise so với thuế áp lên hàng nhập từ Trung Quốc. Công ty lắp ráp một số sản phẩm ở Mỹ và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng thống nhất ở Bắc Mỹ. Hãng dự báo thuế quan gây bất lợi cho ngành công nghiệp máy tính và cả kinh tế Mỹ.
Ngoài ba cái tên kể trên, một số doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hãng khác để sản xuất sản phẩm, chẳng hạn như Jabil và Flex, cũng bị ảnh hưởng bởi thuế quan áp lên hàng nhập khẩu từ cả Trung Quốc lẫn Mexico. Hai hãng này có nhà sản xuất theo hợp đồng với hoạt động ở Mexico, làm sản phẩm từ điện thoại di động cho đến máy chủ cho nhiều khách hàng như Apple, Cisco Systems và Microsoft.
Cơ sở tại Guadalajara, phía Tây Mexico, của Jabil rộng gần 34.000 mét vuông, sản xuất cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị không dây và viễn thông. Jabil là nhà cung ứng lớn nhất của Cisco. Đầu tháng trước, CEO Cisco Chuck Robbins cho hay doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp dự phòng để giảm thiểu tác động của thuế quan lên thiết bị sản xuất ở Trung Quốc bằng cách chuyển sản xuất đi nơi khác.
Apple, một trong các hãng cung cấp hàng công nghệ lớn nhất thế giới, có ba nhà cung ứng có mối quan hệ với Mexico là Kemet, Skyworks Solutions và CCL Design. Cả ba hãng đều sản xuất linh kiện cho sản phẩm của Apple. Skyworks từ lâu là nhà cung ứng linh kiện không dây chính. Hiện chưa rõ bao nhiêu linh kiện trong sản phẩm của Apple xuất xứ từ Mexico.
Other World Computing, nhà sản xuất linh kiện lưu trữ máy tính với doanh thu thường niên 125 triệu USD, là một trong số các doanh nghiệp chuyển sản xuất từ châu Á sang Mexico. Nhà sáng lập kiêm CEO hãng, ông Larry O’Connor, cho biết thông báo áp thuế của ông Trump là cú sốc. O’Connor cho hay mình hiểu chuyện áp thuế Trung Quốc, nhưng không hiểu vấn đề với Mexico. “Các vấn đề thương mại gây tổn hại cho nhiều người phải đối phó với nó. Nó còn có nguy cơ đẩy việc làm ra khỏi Mỹ và Bắc Mỹ”, ông O’Connor nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.