Broadcom 'tố' Qualcomm có liên kết với Trung Quốc

Thành Luân
Thành Luân
12/03/2018 11:16 GMT+7

Sau khi CFIUS - một ủy ban liên ngành do Bộ Tài chính Mỹ lãnh đạo, gửi thư đến Broadcom bày tỏ mối quan ngại về thương vụ công ty này muốn mua Qualcomm, ngay lập tức Broadcom đã có phản ứng.

Theo PhoneArena, trong thư gửi từ CFIUS, cơ quan này cho rằng Broadcom thiếu đầu tư vào hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) và quan trọng hơn, họ là công ty nước ngoài, bất chấp Broadcom đang thực hiện các nỗ lực để trở thành một công ty Mỹ bằng việc thành lập trụ sở tại Delaware. Trước đó, Broadcom có trụ sở tại Singapore.
CFIUS cho rằng việc Qualcomm rơi vào tay Broadcom sẽ khiến Mỹ yếu thế hơn trong cuộc đua phát triển công nghệ 5G với các công ty châu Á. Vì vậy sự xuất hiện của CFIUS hoàn toàn có thể ngăn cản việc sáp nhập.
Phản ứng trước cáo buộc này, Broadcom quyết định chống lại bằng cách buộc tội Qualcomm liên quan đến các công ty Trung Quốc như Huawei và thậm chí là chính phủ Trung Quốc. Đây là một vấn đề nhạy cảm đối với Mỹ vì chính phủ đã cảnh báo người tiêu dùng nước này tránh sử dụng thiết bị Huawei hay ZTE. Các nhà lập pháp nói rằng các thiết bị Huawei truyền dữ liệu từ điện thoại di động tới chính phủ Trung Quốc. Xa hơn, vào năm 2012 đã có cáo buộc nói rằng Huawei và ZTE làm gián điệp cho Trung Quốc.
Để khẳng định cáo buộc của mình, Broadcom công bố một infographic chứa nhiều thông tin đồ họa, thậm chí sử dụng báo cáo từ tờ The New York Times cho thấy Qualcomm đang làm việc với chính phủ Mỹ và có cam kết lâu dài với ngành công nghiệp viễn thông Trung Quốc.
Infographic cũng bao gồm một tuyên bố từ Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy Qualcomm phải trả 7,5 triệu USD do vi phạm đạo luật chống tham nhũng ở nước Ngoài (FCPA) khi thuê người thân của các quan chức chính phủ Trung Quốc.
Broadcom vẫn đưa ra gói thầu trị giá 117 tỉ USD cho Qualcomm và đang cố gắng kiểm soát Hội đồng quản trị công ty này thông qua cuộc bỏ phiếu Hội đồng quản trị 11 thành viên dự kiến diễn ra vào ngày 6.3, nhưng đã bị CFIUS yêu cầu trì hoãn 30 ngày sang 4.4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.