Bất ngờ với hình ảnh người tạo ra từ AI

Thu Thảo
Thu Thảo
12/03/2019 12:05 GMT+7

Cô gái trẻ trong bức ảnh trên màn hình máy tính đáng yêu với đôi má ửng hồng, màu mắt xanh xám, mái tóc đỏ và đôi môi cười.

Song cô gái ấy không hề tồn tại trong cuộc sống thực, mà chỉ là khuôn mặt được công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra trên trang thispersondoesnotexist. Nếu tải lại trang, bạn sẽ nhận được một gương mặt khác hấp dẫn không kém, nhưng cũng không phải là gương mặt người thật.
Trang web do kỹ sư phần mềm Phillip Wang cho ra mắt vào đầu tháng 2 như một dự án cá nhân. Trang sử dụng hệ thống AI do hãng sản xuất chip máy tính Nvidia phát triển và mới được phát hành gần đây. Hệ thống có tên StyleGAN. AI của nó rất giỏi trong việc tung ra một số khuôn mặt trông hệt như thật của một người không hề tồn tại.
Thispersondoesnotexist là một trong các trang web xuất hiện gần đây, sử dụng StyleGAN để tạo ảnh người, mèo, nhân vật anime và nhà nghỉ mát trông thật đến mức người bình thường khó lòng nhận ra. Những trang loại này cho thấy việc tạo hình ảnh giả mạo hiện nay dễ dàng thế nào.

Vấn đề của hình ảnh giả

Hình ảnh của một người không có thật xuất hiện khi truy cập vào trang thispersondoesnotexist Ảnh chụp màn hình thispersondoesnotexist
Wang cũng như nhiều nhà nghiên cứu và đam mê AI bị mê hoặc bởi tiềm năng của công nghệ dạng này. Ông say mê đến mức vừa tạo trang web thứ nhì mang tên thiscatdoesnotexist để tung ảnh mèo giả. Dù vậy, ông cũng lo ngại về cách công nghệ bị lạm dụng.
Chiến thuật AI đằng sau StyleGAN cũng được dùng để tạo “deepfake”, tức video hoặc âm thanh giả mạo đầy tính thuyết phục. Deepfake có thể khiến mọi người lầm tưởng rằng một người đang làm hoặc nói điều mà họ vốn dĩ không thực hiện.
Quan ngại của ông Wang được nhiều chuyên gia đầu ngành đồng ý. Đầu tháng 2, hãng nghiên cứu AI phi lợi nhuận OpenAI quyết định không phát hành hệ thống AI do mình tạo dựng, với lý do là nó làm quá tốt việc soạn thảo văn bản giả đến mức có khả năng bị lạm dụng cao.
“Tôi nghĩ rằng những người không biết về công nghệ dễ tổn thương nhất. Nó giống như lừa đảo. Nếu bạn không biết về nó, bạn có thể bị nó lừa”, ông Wang nhận định. Hai trang web mà Wang tạo dựng một phần cũng để giúp mọi người nhận thức rõ hơn về khả năng của AI.

Thích thú với khuôn mặt AI

Ảnh mèo giả trên thiscatdoesnotexist Ảnh chụp màn hình thiscatdoesnotexist
Wang từng là kỹ sư phần mềm tại Uber. Ông tự nghiên cứu AI trong sáu tháng trước khi tung trang web riêng vào tháng 2, không lâu sau đợt công khai StyleGAN của Nvidia. Từ ngày 11 đến 28.2, khoảng 8 triệu người truy cập trang web.
Trang web tạo khuôn mặt mới sau mỗi hai giây, và người truy cập có thể nhìn thấy nó khi làm mới trang. Wang cho rằng rất nhiều người nhìn vào và ngạc nhiên với những gì họ thấy trên trang web. “Bạn có thể nghĩ về cách nó hoạt động như là việc AI mơ đến một khuôn mặt mới sau mỗi hai giây trên máy chủ, và hiển thị nó cho thế giới”, ông Wang chia sẻ.
Khuôn mặt do trang web đưa ra có nhiều màu mắt, hình dáng mặt và tông màu da khác nhau. Một số hình ảnh còn được trang điểm với son môi, phấn mắt, có khi còn đeo kính thể thao. Thỉnh thoảng cũng có ảnh một người đẫm mồ hôi hoặc có râu. Khuôn mặt thể hiện nhiều loại biểu cảm như cười, bĩu môi hoặc trông nghiêm túc. Trẻ nhất có vẻ như là một em bé đang tập đi, song dường như không ai già hơn tuổi trung niên.
Nếu nhìn kỹ, người truy cập sẽ phát hiện một số chi tiết thể hiện bức ảnh không phải là ảnh người thật. Chẳng hạn, một vài bức có răng hơi lạ và giống như người trong ảnh rất cần được niềng răng. Đôi khi khuyên tai chỉ xuất hiện trên một tai. Quần áo của họ có thể hơi mờ hoặc trông rất lạ.
Thông tin cho thuê giả trên thisrentaldoesnotexist Ảnh chụp màn hình thisrentaldoesnotexist
Kỹ sư phần mềm Christopher Schmidt tại Google là một trong hàng triệu người truy cập trang web của Wang sau khi nó ra mắt. Ông nhận thấy rằng giới nghiên cứu của Nvidia cũng đào tạo StyleGan để tung ra hình ảnh như thật của phòng ngủ và có ý xây dựng trang web của riêng mình: thisrentaldoesnotexist. Trang này kết hợp cả hình ảnh lẫn văn bản do AI tạo dựng. Trình tạo văn bản mà ông Schmidt sử dụng được đào tạo dựa trên thông tin cho thuê nhà trên Airbnb.
Trang thisrentaldoesnotexist hay “bản nhái” của Airbnb trông có vẻ kỳ lạ và ít đáng tin hơn hai trang của ông Wang. Dù vậy, Schmidt cũng chỉ kỳ vọng trang web sẽ giúp mọi người cân nhắc, kiểm tra kỹ hơn về độ xác thực của những gì họ thấy trên mạng: “Có lẽ chúng ta nên nghĩ thêm vài giây nữa trước khi cho rằng điều gì đó là thực”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.