Báo Nhật: Cốc Cốc đang lấn lướt Google tại Việt Nam

03/11/2015 17:17 GMT+7

(TNO) Trong bài viết đăng tải ngày 2.11, hãng tin Nikkei (Nhật Bản) cho biết công cụ tìm kiếm trực tuyến Cốc Cốc đang lớn mạnh không ngừng trong cuộc cạnh tranh với 'gã khổng lồ' Google tại thị trường Việt Nam.

(TNO) Trong bài viết đăng tải ngày 2.11, hãng tin Nikkei (Nhật Bản) cho biết công cụ tìm kiếm trực tuyến Cốc Cốc đang lớn mạnh không ngừng trong cuộc cạnh tranh với 'gã khổng lồ' Google tại thị trường Việt Nam.

Văn phòng trụ sở Cốc Cốc tại Hà Nội - Ảnh: NikkeiVăn phòng trụ sở Cốc Cốc tại Hà Nội - Ảnh: Nikkei

Trong 2 năm qua, trình duyệt Cốc Cốc đã vượt qua mặt trình duyệt của hai tập đoàn công nghệ lừng lẫy thế giới là Microsoft và Mozilla để trở thành nền tảng duyệt web được sử dụng nhiều thứ 2 tại Việt Nam, sau Chrome của Google. Đó là thống kê của hãng phân tích internet comScorre (Mỹ), theo Nikkei.

Một hãng phân tích khác là SimilarWeb (Anh) cũng xếp Cốc Cốc đứng thứ hai sau Google nếu xét về số lượng người dùng. “Tôi có thể tìm ra nhiều kết quả bằng tiếng Việt hơn với Cốc Cốc, chẳng hạn như cửa hàng bán xe hai bánh gần nhất hoặc về văn học Việt Nam”, Thuy Hang, một sinh viên thuộc Trường đại học Hà Nội, nói với Nikkei.

Thành công của Cốc Cốc đến từ thuật toán cho phép đưa ra nhiều kết quả tìm kiếm bằng tiếng Việt. Mục tiêu của hãng này là “đánh phủ đầu” Google trước khi tập đoàn Mỹ kịp có đại diện tại Việt Nam. “Google sẽ không cung cấp cho bạn thông tin về tìm bánh mì hay quán phở địa phương”, Victor Lavrenko, Tổng giám đốc Cốc Cốc nói.

“Chiến lược của chúng tôi là không đấu trong các lĩnh vực mà chúng tôi thất thế. Hiện tại, nếu các bạn nhìn vào Google Trends, các bạn có thể thấy chúng tôi đang tăng trưởng nhanh hơn Google tại Việt Nam”, ông cho hay.

Nikkei cho biết Cốc Cốc cũng đã tung ra dịch vụ mang tên Nhà Nhà để cạnh tranh với Google Maps. Các bức ảnh do những người nhiếp ảnh chụp khi đang rong ruổi trên khắp Việt Nam bằng xe máy giúp Nhà Nhà thiết lập được một cơ sở dữ liệu về các quán xá và dịch vụ địa phương, từ tiệm cắt tóc đến quán cà phê. Hãng tin Nhật bình luận điều này sẽ giúp Cốc Cốc bán được quảng cáo cho các doanh nghiệp trong nước, những người đang muốn quảng bá hoạt động kinh doanh của mình khi người dùng bắt đầu chuyển sang dùng bản đồ trực tuyến để tìm đường.

Cho đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, Google chỉ mới có một văn phòng đại diện cho AdSense, chi nhánh quảng cáo của tập đoàn, theo Nikkei. Trong khi đó, toàn bộ ban lãnh đạo và đội ngũ 300 lập trình viên và kỹ sư của Cốc Cốc đều làm việc ở Hà Nội.

Thu hút nhà đầu tư ngoại

Theo Nikkei dẫn thống kê từ SimilarWeb, vào tháng 7.2015, khoảng 51 triệu lượt truy cập công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, trong khi số lượt truy cập tại Việt Nam của Google lại giảm từ 334 triệu xuống còn khoảng 221 triệu.

Tỉ lệ người dùng internet tại Việt Nam, quốc gia có dân số 92 triệu người, đã tăng rất mạnh từ 13% tổng dân số trong năm 2005 lên khoảng 45%, tương đương 40 triệu người, trong năm nay, theo tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB). Còn Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ước tính con số này có thể sẽ tăng lên mức gần 59 trệu người trong năm 2018 do chính phủ gia tăng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và do sự có mặt của smartphone giá rẻ.

Được biết, tập đoàn truyền thông Hubert Burda Media (Đức) hồi đầu năm nay đã đổ 14 triệu USD đầu tư vào Cốc Cốc để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, cũng như cho khả năng mở rộng vào các thị trường khác trong khu vực.

Cốc Cốc ra đời như thế nào?

Nikkei bình luận rằng không chỉ cung cấp ít kết quả cho các tìm kiếm liên quan đến Việt Nam, mà trang Google còn gặp khó khăn trong việc hiểu các cú pháp có dấu của tiếng Việt.

Qua các hạn chế của công cụ tìm kiếm Mỹ, 3 lập trình viên Việt Nam là Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh và Nguyễn Đức Ngọc, những người từng cùng tham gia vào một dự án phát triển công cụ tìm kiếm trực tuyến tại Nga, đã nhận thấy được cơ hội.

Họ đã bắt tay với Victor Lavrenko, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết lập công ty khởi nghiệp thuộc mảng công nghệ tại Nga, để phát triển một trình duyệt tìm kiếm trực tuyến dành riêng cho thị trường Việt Nam. Và thế là trình duyệt Cốc Cốc ra đời.

Lavrenko, người hiện đang là tổng giám đốc của Cốc Cốc, khi đó được cho là đã huy động một khoản tiền lên đến 100 triệu USD từ các nhà đầu tư Nga sẵn sàng đánh cược vào trình duyệt tìm kiếm mới được kỳ vọng sẽ tái hiện lại kỳ tích đánh bại Google của công cụ tìm kiếm trực tuyến Yandex ở Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.