Apple đã không còn dẫn dắt xu hướng công nghệ

15/09/2019 09:17 GMT+7

Nếu theo dõi sự kiện vừa qua của Apple, bạn sẽ thấy bắt đầu có dấu hiệu của sự nhàm chán mang yêu tố bất ngờ mà Apple đem lại. Những gì mà họ công bố thực tế các hãng khác hầu như đã làm trước đó rồi.

Theo Engadget, có vẻ như Apple chọn hướng đi an toàn thay vì tiếp tục trở thành kẻ dẫn dắt xu hướng như trước, họ đang dần để các hãng khác thay họ mạo hiểm với sáng tạo mới, thay vì chủ động sáng tạo như trước. Nói vậy không phải để đánh giá thấp những gì Apple đang làm hay các tính năng mới của bộ ba iPhone 11, nhưng về khía cạnh sáng tạo thì Apple đã không còn là kẻ dẫn dắt xu hướng như trước nữa.
Chẳng hạn, tính năng chụp ảnh điện toán Deep Fusion mới mà Phó chủ tịch Phil Schiller của Apple mô tả là "tuyệt vời", thực chất nó là hệ thống xử lý hình ảnh dựa trên mạng thần kinh nhân tạo của chip A13 Bionic kết hợp với thuật toán của máy học (machine learning). Theo Apple, hệ thống này sẽ "thực hiện xử lý ảnh theo từng pixel, tối ưu hóa cho các chi tiết, kết cấu và độ nhiễu của bức ảnh”. Dự kiến, Deep Fusion sẽ có mặt vào cuối mùa thu năm nay, do vậy chúng ta vẫn chưa biết hiệu quả thực sự của nó nhưng với màn trình diễn của Apple chúng ta có thể kỳ vọng nó sẽ hoạt động tốt, cùng với chế độ chụp thiếu sáng Night mode.
Riêng tính năng Night mode là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy nỗ lực của Apple để bắt kịp các đối thủ. Bởi cách đây một năm, Huawei đã gây bất ngờ với khả năng chụp thiếu sáng trên điện thoại của họ ở chế độ Night mode, sau đó vào tháng 11 năm ngoái đến lượt Google khiến người dùng kinh ngạc khi công bố tính năng chụp đêm Night Sight rất hiệu quả với các khung cảnh gần như mắt người không nhìn rõ. Sau đó đến lượt Samsung và LG cũng nỗ lực tiếp cận các tính năng tương tự dù chưa hiệu quả bằng Google và Huawei. Chế độ Night mode của Apple hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả tương tự, dù chúng ta vẫn chưa rõ liệu nó hiệu quả đến mức nào do iPhone 11 còn chưa bán ra.
Tất nhiên, Apple không phải chỉ biết chạy theo xu thế có sẵn, khi mà nhiều nhà sản xuất Android đang chạy đua “số chấm” (Megapixel) của camera lên tới 40 - 60 MP thì họ vẫn biết cách tối ưu ở mức 12 MP và nỗ lực tạo ra các bức ảnh sắc nét hơn thay vì nhồi nhét số MP vào camera. Từ iPhone Xs/Xs Max đến loạt iPhone 11 vừa rồi, Apple đang nỗ lực cải tiến những yếu tố thiết thực như tốc độ lấy nét, độ chi tiết, dải động (DR) và chất lượng ảnh chụp thiếu sáng cho camera của iPhone. Thậm chí, hãng cũng là kẻ tạo ra chế độ chụp ảnh chân dung (Portrait mode) đầu tiên trên iPhone 7 Plus mà các hãng Android phải chạy theo, dù trước đó không ít hãng sử dụng 2 camera hoặc chế độ xóa phông nhưng chưa tối ưu cho ảnh chân dung như Apple. Nhưng nếu nói về chụp chân dung, có lẽ lời ngợi khen nên dành cho Google, họ không cần đến camera tele mà vẫn đạt được những bức ảnh chân dung xóa phông tốt đến kinh ngạc, các điện thoại Pixel vẫn chỉ dùng một camera.

Cụm camera của Apple là tính năng đã được dự báo từ trước vì… đó là xu thế có sẵn

Ảnh: SlashGear

Cả Google và Apple đều bỏ qua camera đơn sắc như Huawei dùng trên P9 và P20 Pro, hoặc camera góc rộng như các mẫu điện thoại của LG và sau đó là Huawei vì cho rằng chúng chưa cần thiết. Dù vậy, Apple dần tỏ ra chậm chạp và mất thời gian để bắt kịp xu thế các hãng Android, nhất là thiết lập camera góc rộng và chế độ chụp thiếu sáng. Về mặt phần cứng, Apple đã muộn màng khi nhảy vào xu hướng camera góc rộng thông qua bộ ba iPhone 11 vừa ra mắt, trước đó LG là kẻ đi đầu khi ra mắt camera góc rộng trên LG G5 vào năm 2016. Có vẻ như Apple đắn đo và không dám chấp nhận rủi ro để thử nghiệm các sáng tạo như vậy, họ chỉ chờ nó chín muồi để nhảy vào một cách “an toàn”. Trước đó, sau LG đến lượt Huawei và gần đây là Samsung đã nhảy vào xu thế camera góc rộng, trước khi Apple kịp đưa nó lên iPhone mới.
Rõ ràng có thể chụp ảnh chân dung bằng một camera như Google hoặc bằng việc bổ sung camera tele như Apple, Huawei hay nhiều hãng khác. Nhưng để chụp các khung cảnh ở góc nhìn rộng hơn và hiệu quả tốt hơn, không có cách nào khác ngoài việc bổ sung phụ kiện hoặc sử dụng thêm ống kính (camera) góc rộng, Apple cuối cùng cũng nhận ra họ phải chạy theo đối thủ khi bổ sung nó trên iPhone mới. Nói cách khác, Apple giờ đây sẽ không làm điều gì nếu điện thoại khác trên thị trường chưa làm, họ không muốn mạo hiểm với sáng tạo mới.
Không chỉ iPhone, đồng hồ thông minh Apple Watch Series 5 vừa ra mắt cũng là một ví dụ điển hình về việc vay mượn ý tưởng của Apple. Theo đó, mẫu đồng hồ mới của hãng giờ đây tích hợp thêm tính năng màn hình luôn bật, cho phép xem thông tin (và giờ giấc) mọi lúc mà không cần lắc tay để mở màn hình như trước (do cần tiết kiệm pin). Trước đó, đồng hồ thông minh Pebble, Fitbit và Garmin đều đã có tính năng này. Bên cạnh đó, tính năng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của Apple Watch mới cũng không phải là cái gì mới mẻ, trước đó đồng hồ Fitbit và Garmin đều đã có nó. Dĩ nhiên, Apple có thể chưa phải là hãng chậm chân nhất khi chạy theo các tính năng này, bởi sau lưng họ còn có Samsung và Google cùng nhiều hãng Android khác vẫn chưa bắt kịp xu hướng, nhưng chắc chắn Apple không còn là kẻ đột phá về xu hướng đưa các tính năng này vào smartwatch nữa.
Có lẽ, sự đổi mới đi kèm với các rủi ro tiềm ẩn lớn mà Apple không còn muốn đặt cược như trước nữa. Ngay cả việc họ đưa các tính năng đã có trên các sản phẩm đối thủ vào iPhone mới hay Apple Watch mới cũng chưa hẳn là một hành động “tự giác”, bởi trước đó nhiều người dùng đã liên tục kêu gọi họ đưa các tính năng đó vào sản phẩm mới của Apple.
Thành thật mà nói, ngoại trừ thiết kế màn hình nhám thú vị trên bộ đôi iPhone 11 Pro, có lẽ đã rất lâu rồi Apple không còn khiến người xem bất ngờ với những tính năng “chưa ai nghĩ ra” nữa, đã không còn “One more thing” gây sốc và dù iPhone có thể vẫn bán chạy cũng như hoàn thiện xuất sắc hơn nhưng nó không còn là sản phẩm sáng tạo và dẫn dắt xu thế như cố CEO Steve Job hằng thúc đẩy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.