'Apple của Trung Quốc' vươn ra 80 thị trường trong 4 năm như thế nào?

Thu Thảo
Thu Thảo
09/09/2019 22:30 GMT+7

Xiaomi , hãng điện thoại di động được mệnh danh là 'Apple của Trung Quốc ', tăng trưởng mạnh kể từ năm 2015 và hiện đã xuất hiện tại hơn 80 thị trường quốc tế .

Theo CNBC, Xiaomi được mệnh danh là "Apple của Trung Quốc'" một phần vì sự tương đồng với nhà sản xuất iPhone trong thiết kế sản phẩm, trong các cửa hàng bán lẻ với nhân viên mặc áo phông một màu.
Song bất chấp sự tương đồng bên ngoài với Apple, Xiaomi vẫn nỗ lực chứng minh điểm nhấn riêng. "Tôi nghĩ rằng Apple là công ty tuyệt vời, họ thực hiện rất nhiều đổi mới công nghệ. Chúng tôi cũng làm thế nhưng mô hình của chúng tôi thì khác. Chúng tôi muốn bán giá càng thấp càng tốt, thay vì loanh quanh ở ngưỡng giá cao", Xiang Wang, phó chủ tịch cấp cao toàn cầu của Xiaomi, cho biết.
Sản xuất điện thoại thông minh cao cấp rồi bán với tầm giá thấp là điểm giúp Xiaomi thành công trên khắp Trung Quốc. Chiến thuật này cũng hứa hẹn giúp công ty lấy lòng nhiều người tiêu dùng Ấn Độ.
Xiaomi được thành lập vào năm 2010 tại Bắc Kinh. Kể từ lần "xuất ngoại" ra thị trường nước ngoài đầu tiên là Brazil hồi năm 2015, công ty liên tiếp mở rộng trên trường quốc tế, xuất hiện tại hơn 80 thị trường. Xiaomi hiện là hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất Ấn Độ, gần đây trở thành doanh nghiệp trẻ nhất trong danh sách Fortune Global 500.
Hiện Xiaomi sở hữu hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó có các cửa hàng ở nhiều đô thị lớn như Mexico City, Dubai và London. Khoảng 40% tổng doanh thu Xiaomi đến từ bên ngoài Đại lục.

Một cửa hàng mới mở của Xiaomi tại Tây Ban Nha

Ảnh: Getty Images/AFP

Doanh nghiệp trước đây tiết lộ kế hoạch mở rộng sang thị trường Mỹ song trong năm nay, mọi dự tính đều bị trì hoãn giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Ngoài ra, việc Huawei Technologies, đối thủ "cây nhà lá vườn" của Xiaomi, bị Washington làm khó vì lý do an ninh cũng khiến hãng Trung Quốc chùn bước.
Ông Wang cho hay: "Tôi cho rằng thị trường Mỹ chắc chắn là thị trường quan trọng nhất với tất cả các doanh nghiệp. Chúng tôi vẫn còn trẻ, rất trẻ. Thách thức của chúng tôi, một trong các thách thức lớn nhất là nguồn lực. Thị trường Mỹ rất, rất khác biệt. Chúng tôi đến nay nỗ lực rất nhiều để thiết kế sản phẩm cho thị trường Mỹ nhưng tài nguyên là vấn đề lớn".
Ngoài tài nguyên, Xiaomi cũng đối mặt không ít thách thức khác. Công ty tạm thời để thị trường Brazil ở ngoài chiến lược mở rộng vì bất ổn kinh tế và hoạt động doanh nghiệp. Gần đây, Hugo Barra, sếp lớn kiêm bộ mặt của nỗ lực vươn ra quốc tế của Xiaomi, vừa từ chức. Xiaomi cũng thua kiện thương hiệu với Apple cho cái tên máy tính bảng Mi Pad và giá trị cổ phiếu Xiaomi thì giảm khoảng 45% kể từ khi lên sàn giao dịch Hồng Kông hồi tháng 7.2018.
Nhìn từ mặt vĩ mô, các lô hàng điện thoại thông minh có xu hướng lao dốc cả ở Trung Quốc lẫn trên thế giới. Người tiêu dùng có khuynh hướng giữa thiết bị đang dùng lâu hơn. Dù thế, tác động từ việc doanh số điện thoại đi xuống có thể giảm phần nào do sự thúc đẩy của Xiaomi vào các sản phẩm hỗ trợ công nghệ, chẳng hạn như tủ lạnh, máy lọc không khí và nồi cơm điện.
Tất cả sản phẩm đều được kết nối với ứng dụng của Xiaomi, giúp người dùng điều khiển thiết bị bằng điện thoại. Hãng Trung Quốc tuyên bố đang có hơn 190 triệu thiết bị được kết nối trong hệ sinh thái của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.