Alibaba, Tencent, Didi bị phạt vì các thương vụ sáp nhập cũ

08/07/2021 12:25 GMT+7

Ngày tháng khó khăn của các ông lớn công nghệ Trung Quốc dường như sẽ còn kéo dài khi Bắc Kinh “đào bới” lại các giao dịch cũ.

Theo South China Morning Post, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) của Trung Quốc hôm 7.7 đã công bố 22 khoản phạt tổng trị giá 500.000 nhân dân tệ (khoảng 77.000 USD) nhằm vào các công ty công nghệ lớn trong nước, bao gồm Alibaba Group Holding, Tencent Holdings và Didi Chuxing. Nguyên nhân được đưa ra là do phát hiện một loạt bất thường liên quan đến các thương vụ sáp nhập cũ đã diễn ra trong thập niên qua.
Mặc dù số tiền phạt mới tương đối nhỏ so với khả năng của các ông lớn công nghệ Trung Quốc, nhưng đây đã là mức phạt tối đa được cho phép theo luật chống độc quyền đối với vi phạm về thương vụ sáp nhập. Được biết, một số thương vụ bị trừng phạt thậm chí đã diễn ra trước cả khi SAMR được hình thành vào năm 2018. Tuy nhiên, không khó hiểu khi bây giờ cơ quan chức năng Trung Quốc mới lật lại chuyện cũ, vì thời điểm này là lúc Bắc Kinh tăng cường giám sát lĩnh vực công nghệ trong nước về một loạt vấn đề, bao gồm bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư của người dùng và các hành vi độc quyền chống lại việc cạnh tranh.

Alibaba lần đầu công bố lỗ sau án phạt chống độc quyền cao kỉ lục

Alibaba đã nhận sáu vé phạt, với tổng số tiền phạt là 3 triệu nhân dân tệ, nhỏ hơn nhiều so với mức phạt kỷ lục 18 tỉ nhân dân tệ mà công ty nhận hồi tháng 4.2021 vì vi phạm luật chống độc quyền. Một trong những thương vụ sáp nhập cũ mà Alibaba mới bị phạt diễn ra cách nay 7 năm, khi hãng thương mại điện tử này mua lại 50% cổ phần Câu lạc bộ bóng đá Evergrande của Trung Quốc. Ngoài ra, một thương vụ khác là việc Alibaba mua 40% cổ phần của Landmilk, nhà sản xuất sữa có trụ sở tại Thượng Hải.
Tencent nhận năm vé phạt. Tencent Mobility, được đăng ký tại Hồng Kông, bị phạt vì mua 32,4% cổ phần của 58.com hồi tháng 6.2020. Trong một trường hợp khác, Tencent bị phạt vì mua lại 10% cổ phần của nhà phát triển phần mềm internet di động Cheetah Mobile vào năm 2011. Việc mua lại 36,5% cổ phần từ công ty cung cấp công cụ tìm kiếm Sogou trong năm 2013 cũng không vừa ý Bắc Kinh.
Didi, hiện là tâm điểm của cơn bão quy định về bảo mật dữ liệu, nhận hai phiếu phạt. Cụ thể, SAMR đã phạt đơn vị ô tô thông minh của Didi vì không báo cáo hoạt động liên doanh với BAIC Electric Vehicle vào cuối năm 2018 cho chính quyền. Trường hợp thứ hai là việc đơn vị sản xuất xe điện của Didi chiếm 15% cổ phần trong liên doanh với ba doanh nghiệp ở Hải Nam vào tháng 11.2019.

Trung Quốc cấm ứng dụng gọi xe lớn nhất nước Didi

 
Trước năm 2018, Bộ Thương mại Trung Quốc là cơ quan chịu trách nhiệm xem xét “hoạt động tập trung” trong các thương vụ sáp nhập. Nhưng trọng tâm của những đánh giá đó thường là về việc doanh nghiệp nước ngoài mua lại các liên doanh của Trung Quốc hơn là về các giao dịch thuần túy trong nước.
SAMR tiếp quản quyền xem xét vào năm 2018 nhưng không trừng phạt bất kỳ công ty internet lớn nào cho đến giữa tháng 12.2020. Tuy nhiên, sau thời điểm đó SAMR bắt đầu nghiên cứu các giao dịch trong quá khứ để đưa ra hình phạt thích hợp vì chính quyền Bắc Kinh đã nói rằng các công ty công nghệ lớn trong nước cần phải được cải tổ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.