AI Việt bắt đầu vượt khó

28/12/2018 08:00 GMT+7

Việc ra mắt những sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên như trợ lý ảo của Zalo cho thấy quyết tâm của nhiều doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan” của AI Việt Nam.

Một trong những sản phẩm của AI đang được thế giới đua nhau phát triển và sử dụng ngày càng mạnh trên thế giới hiện nay là ứng dụng trợ lý ảo. Những người quan tâm đến công nghệ hẳn đã từng nghe đến những cái tên nổi tiếng như: Siri (Apple), Cortana (Microsoft), Now (Google). Thế nhưng sản phẩm “made in Việt Nam” thì gần như chẳng ai biết đến, dù đã có vài cái tên xuất hiện.

Thách thức

Trợ lý ảo là một ứng dụng thực hiện các tác vụ hoặc dịch vụ cho người dùng cuối trên các thiết bị kết nối mạng như smartphone. Chẳng hạn thay vì thông thường bạn phải dùng tay mở trình duyệt, nhập địa chỉ một trang web và enter thì với trợ lý ảo, bạn chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói: “mở trang abc”. Hoặc khi muốn tìm một địa điểm trên bản đồ và đường đi đến đó, bạn thường phải thao tác: mở ứng dụng bản đồ, nhập địa điểm, bấm hướng dẫn đường đi, có khi lại phải thêm thao tác bật định vị nữa. Nhưng với trợ lý ảo, bạn chỉ việc nói: “tìm đường đi từ đây đến X” - rất gọn và nhanh chóng. Tất nhiên đó mới chỉ là những việc đơn giản bởi trợ lý ảo còn có thể làm được nhiều việc phức tạp hơn như: thư ký nhắc việc, từ điển kiến thức, thậm chí có thể là một người bạn trò chuyện, tâm sự với chủ nhân…
Tuy nhiên do giao tiếp với người dùng thông qua giọng nói, nên khâu quan trọng và khó nhất của ứng dụng trợ lý ảo là nhận dạng và xử lý giọng nói của người dùng để “nhận lệnh” cho đúng, đặc biệt với tiếng Việt vốn nổi tiếng “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. TS Bạch Hưng Nguyên - đang làm việc về lĩnh vực AI tại Alibaba (Mỹ) - từng nhận định: “Một trong những điểm khó của tiếng Việt so với tiếng Anh trong xử lý tiếng nói là thanh điệu và phương ngữ”.
Cụ thể, TS Nguyên phân tích: “Tiếng Anh sử dụng trọng âm để nhấn mạnh và tạo hiệu quả ngôn ngữ trong khi đó tiếng Việt có 8 thanh điệu với các kết cấu âm vị đa dạng. Thêm vào đó tiếng Việt có 3 phương ngữ chính Bắc - Trung - Nam, và nếu chia nhỏ thì còn nhiều phương ngữ ví dụ cùng phương ngữ Bắc Bộ nhưng có giọng Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Hai yếu tố thanh điệu và phương ngữ tổ hợp lại tạo nên một sự phức tạp lớn trong việc xử lý tiếng nói”.
Do đó, xây dựng và phát triển được trợ lý ảo giao tiếp bằng tiếng Việt là một thách thức to lớn với bất kỳ ai dù trong nước hay trên thế giới.

Và hy vọng

Trong sự kiện Zalo AI Summit vừa diễn ra tại TP.HCM, một trong những tên tuổi hàng đầu của làng công nghệ Việt Nam là Zalo đã lần đầu tiên trình diễn demo ứng dụng trợ lý ảo do chính họ phát triển. Trợ lý ảo của Zalo có tên là Ki-Ki. Những tính năng được Ki-Ki thực hiện trong lần chạy đầu tiên này là: tra cứu thời tiết, mở nhạc, gửi tin nhắn (qua Zalo), tra cứu thông tin, đọc tin tức.
Ông Phạm Kim Long từ Zalo AI Lab giới thiệu về Trợ lý ảo Ki-Ki trong hội thảo Zalo AI Summit
Ông Phạm Kim Long từ Zalo AI Lab giới thiệu về Trợ lý ảo Ki-Ki trong hội thảo Zalo AI Summit
Theo chia sẻ của đại diện Zalo, “Mục tiêu của Zalo là tạo ra một trợ lý ảo sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, dành cho người Việt”. Do đó, có thể hiểu đây mới chỉ là những tính năng tương đối đơn giản ban đầu của Ki-Ki và Zalo còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn đưa trợ lý ảo này thành một sản phẩm hoàn thiện.
Tuy nhiên, những sự nỗ lực của Zalo khi ra mắt một sản phẩm AI trong thời gian ngắn là điều đáng ghi nhận. Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực AI, dù không phải là một bản ra mắt chính thức nhưng là kết quả một sự cố gắng lớn sau quá trình nghiên cứu và làm về AI một cách nghiêm túc của các kỹ sư Zalo AI Lab. Nó cho thấy quyết tâm của Zalo trong việc đầu tư và phát triển các sản phẩm AI.
Theo các chuyên gia, bản thân việc trợ lý ảo mở ra nhiều hy vọng sự phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam vì đây sẽ là môi trường lý tưởng để thử nghiệm những nghiên cứu mới nhất về AI. Trợ lý ảo được xem là trọng tâm của AI hiện nay và hứa hẹn trở thành cầu nối giao tiếp chính của con người với máy móc trong tương lai không xa.
Sự kiện trên không chỉ thể hiện tham vọng của Zalo trong lĩnh vực trợ lý ảo mà còn là một động lực vô cùng to lớn với cộng đồng phát triển AI tại Việt Nam. Chúng ta đã bàn và thảo luận rất nhiều về lý thuyết nhưng việc nhanh chóng hành động và cho ra sản phẩm ban đầu lại rất ít. Do đó, Ki-Ki được xem là một cú hích quan trọng cho các doanh nghiệp AI khác nhanh chóng và tự tin ra mắt sản phẩm AI của riêng mình. Qua đó, thúc đẩy cộng đồng AI Việt Nam nhanh hòa nhập với sự phát triển của xu hướng AI của toàn cầu. Và biết đâu đấy trong một tương lai không xa, khi người ta nói đến trợ lý ảo, cái tên Zalo Ki-Ki của người Việt hoàn toàn có thể tự tin sánh vai cùng Siri của Apple hay Cortana của Microsoft.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.